Nguồn: “www.cogioihoa.com” ngày 26/06/2015
1. Hiện trạng sản xuất lúa tại Việt Nam hiện nay
Lúa là loại cây trồng và mùa vụ chính quan trọng nhất ở Việt Nam. Sự hình thành và phát triển sản xuất lúa gạo ở nước ta có lịch sử truyền thống lâu đời và có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo thốngkê năm 2014 của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 25/12/2014, diện tích trồng lúa 7,8 triệu ha, sản lượng 44,84 triệu tấn, năng suất đạt 5,74 tấn/ha.2
Với đặc thù từng khu vực và địa phương khác nhau, canh tác trồng lúa được chia thành 3 mùa vụ: Lúa đông xuân, Lúa hè thu, Lúa mùa.
Cấy lúa và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến hiện nay đã làm giảm lượng thóc giống, cây lúa phát triển tốt, giảm trừ cỏ dại, chăm sóc đơn giản.Làm mạ và cấy lúa là một khâu vất vả, mất nhiều thời gian trong quá trình canh tác, yêu cầu tính thời vụ cao. Thông thường thời gian cấy từ 7 – 10 ngày và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thủy lợi, trong khoảng thời gian này, phải tập trung toàn bộ lực lượng lao động để tham gia sản xuất.
2. Tình hình sử dụng máy cấy lúa tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015
Cơ giới hóa cấy lúa được chú trọng triển khai thực hiện từ năm 2010 đến nay, nhiều loại máy cấy lúa được đưa vào sản xuất trên phạm vicả nước. Những loại máy cấy sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước đều có cơ cấu cấy theo nguyên lý Chải – Đẩy, di chuyển tự hành hoặc người dắt bộ theo sau.
a. Những loại máy cấy nhập khẩu
– Loại máy cấy có xuất xứ Nhật Bản: Chủ yếu của các hãng KUBOTA, ISEKI, YANMAR. Các loại máy này có khoảng cách hàng 300 mm. Số lượng máy chủ yếu là loại người dắt bộ theo sau, cấy 4 hàng, sử dụng mạ khay. Các loại máy ngồi lái chiếm tỉ trọng không đáng kể.
– Loại máy cấy có xuất xứ Hàn Quốc: Sản phẩm của hãng TONG YANG. Loại máy này có khoảng cách hàng 300mm. Số lượng máy chủ yếu là loại người dắt bộ theo sau, cấy 4 hàng, sử dụng mạ khay. Các loại máy ngồi lái chiếm tỉ trọng không đáng kể
– Loại máy cấy có xuất xứ Trung Quốc: Sản phẩm của hãng HUAXIN, BILANG. Các loại máy này đều là loại ngồi lái, khoảng cách hàng 238mm hoặc 300mm. Máy cấy 4 hàng, 6 hàng, 8 hàng. Sử dụng mạ khay.
b. Những loại máy được sản xuất, lắp ráp trong nước:
* Sản phẩm máy cấy lúa của Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch ( VIAEP)
– Máy cấy lúa MC-6-250, được chế tạo thành công ban đầu vào năm 2005, sau khi khảo nghiệm và ứng dụng vào sản xuất, theo yêu cầu của nông dân, mẫu máy đã được cải tiến nhiều lần. Máy cấy 6 hàng, khoảng cách hàng 250mm, khoảng cách khóm điều chỉnh được là 120mm và 140mm.
– Máy cấy MC-8-207 ra đời với các thông số kỹ thuật cơ bản giống như máy cấy MC-6-250, chỉ thay đổi số lượng hàng cấy là 8 hàng, khoảng cách hàng 207mm, khoảng cách khóm trên hàng của 2 loại máy này là 120 và 140 mm.
– Hai loại máy cấy MC – 6 – 250 và MC – 8 – 207 là sản phẩm của đề tài KC – 07 – 25 “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nông thôn KC – 07”. Hai loại máy này đã ngừng sản xuất khi đề tài KC – 07 – 25 kết thúc.
* Máy cấy lúa HAMCO do Công ty TNHH máy nông nghiệp và khuyến nông Hà Nội (HAMCO.,LTD) sản xuất được bán ra thị trường vào cuối năm 2012.
– Thế hệ thứ nhất là loại 2Z – 8238B – D, máy cấy 8 hàng, khoảng cách tim giữa các hàng lúa 238mm, khoảng cách khóm: 120/140/160/190 mm.
– Trong quá trình triển khai chuyển giao kỹ thuật máy cấy lúa vào đồng ruộng, doanh nghiệp đã nghiên cứu, cải thiến thế hệ máy ban đầu. Thế hệ thứ ba là loại 2Z – 8238BG – E – D đã được bán ra thị trường vào cuối năm 2013 và vẫn đang sản xuất đến hiện nay. Sản phẩm đã được người trồng lúa tại 23 tỉnh thành trên cả nước sử dụng.
– Máy cấy lúa thế hệ thứ ba 2Z – 8238BG – E – D là loại máy cấy 8 hàng; Khoảng cách tim giữa các hàng lúa 238mm; Khoảng cách khóm thay đổi được: 120/140/160/190 mm; Hệ thống thủy lực tích hợp; Động cơ disel 5,5 HP thế hệ mới, khởi động điện, làm mát bằng không khí. Máy sử dụng mạ khay hoặc mạ gieo nền cứng.
– Ngoài sản phẩm máy cấy lúa, doanh nghiệp còn sản xuất máy gieo mạ, khay nhựa cứng, các nông cụ sử dụng cho việc gieo mạ khay, mạ thảm đáp ứng yêu cầu cơ giới khâu gieo mạ.
c. Thực tế áp dụng máy cấy lúa vào sản xuất.
Việc sử dụng máy cấy trong thực tế sản xuất chỉ chiếm số lượng nhỏ, tập trung ở các vùng đã dồn điền đổi thửa hoặc diện tích canh tác lớn, chủ động được tưới tiêu.
Một số địa phương có chính sách hỗ trợ mua máy cấy đặc thù thì số lượng máy được đưa vào sản xuất nhiều hơn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối thì lượng máy cấy được đưa vào sử dụng cho đến nay chỉ đạt 2400 máy.
3. Nhu cầu sử dụng máy cấy lúa đến năm 2020
Định hướng cơ giới hóa nông nghiệp theo quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. “Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 70% năm 2010 lên 95%; khâu gieo trồng, chăm bón từ 25% lên 70%, khâu thu hoạch từ 30% lên 70%, khâu chế biến từ 30% lên 80%”.
Hiện nay, phương pháp trồng lúa được người dân áp dụng là gieo sạ và cấy lúa. Tại khu vực phía bắc phương pháp cấy lúa được sử dụng phổ biến. Tại khu vực phía Nam, tỷ lệ cấy lúa tương ứng khoảng 58,39%(Tạm tính theo tỷ lệ năm 2013, Tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2013, Tổng cục thống kê)so với tổng diện tích gieo cấy. Như vậy, với những loại máy cấy đang sử dụng tại Việt Nam, thì số lượng máy cấy cần thiết để phục vụ sản xuất từ nay đến năm 2020 dự kiến cần 102.488 máy, lượng tiền bỏ ra để mua máy cấy là 8.199, 04tỷ đồng (tương đương 380,47triệu đô la).
4. Tình hình thực hiện quyết định 68/2013/QĐ – TTg của thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Quyết định 68/2013/QĐ – TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 đã tháo nút thắt về việc “cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất đối với các loại máy móc, thiết bị do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước trên 60%” mà Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 và Quyết định 65/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2011đã quy định.
Các Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ – TTg cũng rất cụ thể và ban hành kịp thời như: Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tư 13/2014/TT-NNNH ngày 18 tháng 4 năm 2015 của Ngân hàng nhà nước; Thông tư 89/2014/TT-BTC ngày ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài Chính.
Hệ thống ngân hàng thương mại cũng vào cuộc tích cực, Ngân hàng Agribank đã ban hành quyết định 529/QĐ-NHNo – SHX ngày 06 tháng 6 năm 2014 quy định cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ – TTg ngày 14/11/2013 của thủ tướng chính phủ. Máy cấy lúa HAMCO đã được ngân hàng Agribank cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho nhiều khách hàng tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang….
Ngoài những chính sách của Chính phủ và các Bộ, nhiều tỉnh thành đã ban hành các quyết định hỗ trợ riêng như: Thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ…
Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã tương đối đầy đủ, chỉ còn phổ biến chính sách và khâu triển khai thực hiện là vẫn chậm.
5. Những khó khăn khi đưa máy cấy lúa vào sản xuất
a. Khó khăn do chính sách thuế.
Theo quy định tại Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014 thì kể từ ngày 01/01/2015, các mặt hàng gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra”.
Theo quy định tại Điều 1, mục 9, khoản b củathông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ tài chính “Hướng dẫn về thuế GTGT và quản lý thuế tại nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ xung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ xung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi bổ xung một số điều của thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ”
b) Bổ sung khoản 14a vào Điều 14 như sau:
“14a. Số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định phục vụ cho sản xuất: phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác tiêu thụ trong nước không được kê khai, khấu trừ mà tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào thể hiện trên hóa đơn giá trị gia tăng, chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu phát sinh trước ngày 01 tháng 01 tháng 2015 đáp ứng điều kiện khấu trừ, hoàn thuế và thuộc diện hoàn thuế theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 và Thông tư này.”
Như vậy, đối với máy nông nghiệp có giá trị sản xuất trong nước, thuế GTGT của giá trị sản xuất này sẽ được phân bổ vào giá thành sản phẩm, do vậy giá máy nông nghiệp bán ra về bản chất vẫn giữ nguyên, người sử dụng không được lợi gì. Mặt khác, chính sách làm giảm sự cạnh tranh của máy nông nghiệp sản xuất trong nước so với máy nông nghiệp nhập khẩu nguyên chiếc hoặc CKD. Chính sách này chỉ có lợi cho các sản phẩm máy nông nghiệp của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, không thúc đẩy sản xuất trong nước.
b. Khó khăn trong chuyển giao Kỹ thuật – Công nghệ
Máy cấy là một trong những loại máy khó khi chuyển giao kỹ thuật. Để đưa máy vào sản xuất cần rất nhiều yếu tố tạo thành như: Kỹ thuật sản xuất mạ, làm đất, điều tiết nước; Diện tích ô thửa đủ lớn; Kỹ thuật vận hành của thợ máy.
Mặt khác, tập quán canh tác lúa lâu đời tại nước ta là cấy thủ công, nên việc thay đổi tập quán sản xuất phải thực hiện trong một khoảng thời gian dài thì người dân mới có thể thực hiện được.
Tại các địa phương chú trọng đến trồng lúa, công tác khuyến nông, tập huấn kỹ thuật được thực hiện tốt thì việc đưa máy cấy vào sản xuất được thuận lợi và đạt hiệu quả.
6. Những đề xuất giải pháp đưa máy cấy lúa vào sản xuất.
Để phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ cơ giới hóa khâu khâu cấy lúa đạt 70%, cần thực hiện các biện pháp sau:
– Nhà nước chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo nội dung các văn bản đã ban hành.
– Sửa đổi, ban hành chính sách thuế theo hướng có lợi cho người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất. Đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa sản phẩm sản xuất trong nước với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc hoặc CKD.
– Triển khai thực hiện đúng lộ trình và hiệu quả Quyết định 1342/QĐ – TTg ngày 12/8/2014 của thủ tướng chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
– Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam – Bộ khoa học và Công nghệ thực hiện thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
– Quy hoạch đất trồng lúa, thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống giao và thông thủy lợi nội đồng tại từng địa phương.
– Thực hiện tốt liên kết 4 nhà: Nông dân – Doanh nghiệp – Nhà nước – Nhà Khoa học trong lĩnh vực trồng lúa bằng máy.
– Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật, tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ thuật đến tận Thôn –Ấp để người trồng lúa nắm bắt được kỹ thuật trồng lúa bằng máy./.
Nguồn: Báo cáo tham luận “Hiện trạng và giải pháp cấy lúa ở Việt Nam” của Công ty TNHH máy nông nghiệp và khuyến nông Hà Nội (HAMCO) tại Hội nghị Cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 2015