Cập nhật: ngày 04/9/2014
Theo Tổng cục Thuế, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 25/8, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung về nội dung và mẫu biểu của 7 Thông tư nhằm cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế. Thông tư 119 có những điểm mới nổi bật sau.
Bãi bỏ, đơn giản nhiều bảng kê; làm rõ căn cứ xác định thuế hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm; sửa đổi, bổ sung nội dung về khai, nộp thuế TNCN theo hướng đơn giản hơn;… là những điểm mới nổi bật được quy định trong Thông tư 119/2014/TT-BTC vừa ban hành.
Bãi bỏ, đơn giản nhiều bảng kê
Trước hết, Thông tư 119/2014/TT-BTC (TT 119) đã ban hành mới các mẫu tờ khai bổ sung cho Thông tư 156/2013/TT-BTC, gồm: mẫu Tờ khai thuế GTGT dành cho người nộp thuế khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào…
So với mẫu cũ, các mẫu mới đã bỏ một số trường thông tin như: ký hiệu mẫu hóa đơn; ký hiệu hóa đơn; mặt hàng…
Đồng thời, Thông tư 119 cũng bãi bỏ một số bảng kê trong hồ sơ khai thuế GTGT quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Thông tư 156.
Cụ thể, bãi bỏ bảng kê hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; Bảng kê phân bổ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa dịch vụ mua vào được khấu trừ trong kỳ; Bảng kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào phân bổ được khấu trừ năm và Bảng kê số lượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy bán ra.
Làm rõ căn cứ xác định thuế hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm
Bên cạnh việc bãi bỏ, đơn giản nhiều bảng kê, Thông tư 119 cũng làm rõ hướng dẫn tại khổ thứ 2, 3, 4 khoản 11 Điều 21 Thông tư 156 về xác định số thuế hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh.
Theo đó, “Số thuế Hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh được xác định như sau:
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán nghỉ liên tục từ trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế phải nộp của quý; tương tự nếu nghỉ liên tục trọn 02 (hai) tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế phải nộp của quý, nếu nghỉ trọn quý được giảm toàn bộ số thuế phải nộp của quý. Trường hợp Hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng.
Trường hợp trong thời gian nghỉ kinh doanh, Hộ nộp thuế khoán vẫn kinh doanh thì phải nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế.”
Song song với đó, thông tư mới cũng bổ sung hướng dẫn tại khoản 1 Điều 22 Thông tư 156 về sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế đối với hộ, cá nhân có tài sản cho thuê như sau:
“Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê mà tổng số tiền cho thuê trong năm thu được từ một trăm triệu đồng trở xuống hoặc tổng số tiền cho thuê trung bình một tháng trong năm từ 8,4 triệu đồng trở xuống thì không phải khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN và cơ quan thuế không thực hiện cấp hóa đơn lẻ đối với trường hợp này”.
Đảm bảo nguồn thu hợp lý cho các địa phương
Để đảm bảo nguồn thu hợp lý cho các địa phương, Thông tư 119 sửa đổi, bổ sung khổ thứ 6, 7, 8, 9 khoản 3 Điều 28 Thông tư 156 như sau: “KBNN có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đồng cấp trong việc khấu trừ thu thuế GTGT các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn NSNN trên địa bàn, đồng thời hạch toán thu NSNN đối với số thuế GTGT đã khấu trừ theo nguyên tắc:
Công trình xây dựng cơ bản phát sinh tại địa phương cấp tỉnh nào, thì số thuế GTGT khấu trừ sẽ được hạch toán vào thu NS của địa phương cấp tỉnh đó.
Đối với các công trình liên tỉnh thì chủ đầu tư phải tự xác định doanh thu công trình chi tiết theo từng tỉnh gửi KBNN để khấu trừ thuế GTGT và hạch toán thu NS cho từng tỉnh.
Đối với các công trình liên huyện, nếu xác định được doanh thu công trình chi tiết theo từng huyện, thì số thuế GTGT khấu trừ sẽ được KBNN hạch toán vào thu NS của từng huyện tương ứng với số phát sinh doanh thu công trình. Đối với các công trình liên huyện mà không xác định được chính xác doanh thu công trình chi tiết theo từng địa bàn huyện, thì chủ đầu tư xác định tỷ lệ doanh thu của công trình trên từng địa bàn gửi KBNN thực hiện khấu trừ thuế GTGT, trường hợp chủ đầu tư không xác định được tỷ lệ doanh thu của công trình trên từng địa bàn thì giao Cục trưởng Cục thuế xem xét quyết định”.
Bỏ mức khống chế 1 tỷ đồng về tài sản cố định, máy móc
Thông tư 119 sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC về đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT như sau:
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư, Thông tư 119 quy định: “Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế”.
Đồng thời, Thông tư 119 bỏ mức khống chế 1 tỷ đồng về tài sản cố định, máy móc, thiết bị… đầu tư, mua sắm của doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Theo đó, “doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh…
Khi gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế tới cơ quan thuế trực tiếp, cơ sở kinh doanh không phải gửi các hồ sơ, tài liệu chứng minh như dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án đầu tư được người có thẩm quyền của DN ra quyết định đầu tư phê duyệt, hóa đơn đầu tư, mua sắm, hồ sơ nhận góp vốn, hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh. Cơ sở kinh doanh lưu giữ và xuất trình cho cơ quan thuế khi có yêu cầu…”
Bổ sung chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
Cũng trong Thông tư này, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC về Thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, Thông tư có hướng dẫn rõ đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không phải tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp và có các ví dụ cụ thể để áp dụng.
Đồng thời, Thông tư 119 cũng bổ sung hướng dẫn tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với trường hợp mua hàng hóa dịch vụ có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án có quy mô lớn để phù hợp với quy định của Luật Thuế TNDN và Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.
Cơ quan thuế lập đường dây nóng hỗ trợ DN
Các cục thuế phải công bố công khai số điện thoại để hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và trả lời những vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 119/2014/TT-BTC.
Để tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế công bố công khai số điện thoại để hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và trả lời những vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 119/2014/TT-BTC (tùy theo điều kiện cụ thể, có thể công bố nhiều số điện thoại đường dây nóng khác nhau).
Cục thuế lựa chọn những công chức nắm vững nội dung quy định tại Thông tư số 119/2014/T-BTC để hỗ trợ trả lời doanh nghiệp qua điện thoại tại bộ phận tuyên truyền hỗ trợ, bộ phận kiểm tra và trực đường dây nóng.
Song song với đó, các cục thuế chỉ đạo các bộ phận liên quan: Tuyên truyền hỗ trợ, thu nhập cá nhân, kê khai, kiểm tra, tin học và các chi cục thuế thường xuyên nắm bắt kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để giải quyết, hướng dẫn.
Trường hợp các vướng mắc chưa có quy định hoặc các vấn đề chưa rõ hoặc vượt thẩm quyền, đề nghị các cục thuế báo cáo Tổng cục Thuế để xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Các cục thuế có trách nhiệm chỉ đạo các chi cục thuế triển khai thực hiện Thông tư số 119/2014/TT-BTC. Cục thuế có trách nhiệm hỗ trợ các chi cục thuế tập huấn cho cán bộ thuế và doanh nghiệp do chi cục thuế quản lý. Thường xuyên đôn đốc kiểm tra chi cục thuế trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu đối với những thủ tục hành chính thuế đã được cắt giảm và những nội dung tạo thuận lợi cho người nộp thuế đã được quy định rõ tại Thông tư 119/2014/TT-BTC các cục thuế phải cụ thể hóa thành quy định của đơn vị để thực hiện.
Cục thuế chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc yêu cầu công chức được giao nhiệm vụ giải quyết các thủ tục hành chính thuế phải tổ chức tiếp nhận và giải quyết đúng quy định, đúng thời gian cho người nộp thuế; không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp bất kỳ loại giấy tờ gì không có trong quy định, không được gây vướng mắc, khó khăn cho người nộp thuế.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/