Nguồn: “www.cogioihoa.com” ngày 20/07/2015
Hải Phòng là thành phố ven biển, có diện tích tự nhiên là 1519,2 km2, với 15 đơn vị hành chính gồm: 8 huyện và 7 quận, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nên thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác chế biến thủy sản và sản xuất muối.
Trong những năm gần đây quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần để phục vụ mục đích phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Diện tích đất canh tác giảm 1,2%/năm, song giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản giai đoạn 2009-2014 liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2009-2014 là 5,4%/năm; trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 4,35%/năm (trồng trọt tăng 1,15%/năm, chăn nuôi tăng 7,9%/năm); sản xuất thuỷ sản tăng 8,35%/năm (nuôi trồng tăng 9,95%/năm, khai thác tăng 5,93%/năm).
- Tình hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
1.1. Lĩnh vực trồng trọt
Hải Phòng là địa phương sớm áp dụng cơ khí hóa vào sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn trước năm 1990 trên địa bàn thành phố đã có trên 300 máy kéo MTZ (Liên Xô) từ 50CV trở lên, 50 máy ủi DT 75CV và gần 200 máy kéo tay loại 10 – 12CV sử dụng trong làm đất, san ủi cải tạo đồng ruộng, vận chuyển trong nông thôn.
Giai đoạn 1990-2005: Số lượng máy kéo lớn liên tục giảm do không còn phù hợp với điều kiện ruộng đất bị chia nhỏ, mô hình quản lý máy móc được chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang các xã, HTX nông nghiệp hoặc tư nhân đấu thầu, số máy kéo MTZ (Liên Xô) từ 50 CV trở lên được thanh lý. Máy kéo nhỏ loại 6-15 CV sản xuất trong nước và nhập từ Trung Quốc dần chiếm đa số, đảm nhiệm phần lớn các công việc làm đất, bơm nước, vận chuyển. Ngoài ra máy kéo 4 bánh công suất 25-35 CV có xuất xứ từ Nhật Bản được đưa vào sản xuất thay thế một phần máy kéo nhỏ.
Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản đang là nhu cầu bức thiết, cùng với việc ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật đã hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu công việc như: làm đất, vận chuyển, đập tách hạt, bơm nước; các khâu mới như: gieo mạ khay, khâu cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, gặt lúa, xúc đào mương ngày càng được áp dụng, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu công việc trong sản xuất nông nghiệp Hải Phòng ngày càng tăng.
Bảng 1. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong trồng trọt
TT | Khâu công việc | Mức độ cơ giới hóa (%) | |
Năm 2013 | Năm 2014 | ||
1 | Làm đất | 90 | 100 |
2 | Gieo cấy (gieo sạ, cấy máy) | 12 | 15 |
3 | Tưới tiêu nước | 85 | 95 |
4 | Phun thuốc bảo vệ thực vật | 2,5 | 5 |
5 | Thu hoạch | 3,5 | 8,5 |
6 | Tuốt đập/tách hạt | 100 | 100 |
7 | Xay xát gạo | 100 | 100 |
8 | Vận chuyển | 75 | 87 |
Tại Hải Phòng có Trung tâm Giống và Phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao đang triển khai mô hình trồng cây trong nhà kính theo công nghệ ISRAEL, các quy trình sản xuất tại đây được cơ khí hóa, tự động hoá (trừ khâu thu hoạch), đây là một trong những mô hình sản xuất trồng trọt công nghệ cao điển hình ở miền Bắc.
1.2. Lĩnh vực chăn nuôi
Những năm gần đây sản xuất chăn nuôi chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại và gia trại. Trên địa bàn thành phố đã có 03 doanh nghiệp chăn nuôi tập trung, 939 trang trại, trên 10.000 gia trại… Đối tượng chăn nuôi chính là lợn, gà, vịt.
Hầu hết các trang trại, gia trại lớn có áp dụng cơ giới hóa trong sử dụng hệ thống chuồng trại bán tự động, áp dụng cơ giới hóa vào một số khâu như: vệ sinh, làm mát chuồng trại; chế biến và cung cấp thức ăn, nước uống cho vật nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng hầm BIOGAS chạy máy phát điện, đun nấu…
Bảng 2. Mức độ cơ giới hóa trong chăn nuôi
TT | Khâu công việc | Mức độ cơ giới hóa (%) | |
Chăn nuôi lợn | Chăn nuôi gà | ||
1 | Thông gió chuồng trại | 85 | 65 |
2 | Sản xuất, chế biến thức ăn trang trại | 50 | 50 |
3 | Cho ăn | 70 | 40 |
4 | Cung cấp nước uống | 80 | 40 |
5 | Vệ sinh chuồng trại | 15 | 15 |
6 | Giết mổ (dây chuyền bán tự động) | 4 cơ sở |
1.3. Lĩnh vực sản xuất thủy sản
Trong nuôi trồng thủy sản đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giống thủy sản, chăn nuôi công nghiệp như: Công ty TNHH Thuận Thiện Phát, Công ty TNHH Sơn Trường, Công ty CP Chế biến thủy sản Hải Phòng. Các mô hình đã sử dụng các thiết bị máy tiên tiến trong nuôi và chế biến thức ăn thủy sản, tỷ lệ cơ khí hóa cao.
Bảng 3. Mức độ cơ giới hóa trong nuôi công nghiệp
TT | Khâu công việc | Mức độ cơ giới hóa (%) |
1 | Sản xuất, chế biến thức ăn trang trại | 50 |
2 | Sục khí ao đầm nuôi công nghiệp | 70 |
3 | Cung cấp nước | 80 |
4 | Cơ giới hóa vệ sinh ao đầm | 30 |
5 | Dây chuyền chế biến thủy sản | 4 cơ sở |
1.4. Lĩnh vực sản xuất muối
Năm 2009 Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Dự án xây dựng mô hình sản xuất muối theo công nghệ trải bạt tại xã Văn Phong, huyện Cát Hải. Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp thực hiện Dự án xây dựng mô hình sản xuất muối theo công nghệ trải bạt tại xã Nghĩa lộ, huyện Cát Hải.
Tuy nhiên, thời gian gần đây diện tích sản xuất muối bị thu hẹp để chuyển đổi sang mục đích xây dựng cảng biển Lạch Huyện tại Cát Hải. Về công nghệ sản xuất vẫn là phơi cát truyền thống, sử dụng lao động thủ công, diêm dân không đầu tư cơ giới vào sản xuất muối.
1.5. Số lượng máy cơ khí sử dụng trong sản xuất nông lâm thủy sản và muối
TT | Hạng mục | Số lượng (cái) |
1 | Máy kéo hai bánh công suất dưới 15 CV | 2.520 |
2 | Máy kéo bốn bánh công suất trên 17 CV | 140 |
3 | Máy kéo công suất trên 35 CV | 85 |
4 | Máy kéo công suất từ 15 – 35 CV | 55 |
5 | Máy gieo hạt Kubota (dây truyền gieo mạ khay) | 7 |
6 | Máy cấy | |
Máy cấy đi sau công suất 4 – 5 CV | 43 | |
Máy cấy ngồi công suất 15 CV | 11 | |
7 | Máy sạ hàng | 1.200 |
8 | Máy gặt lúa rải hàng công suất 5,5 CV | 2 |
9 | Máy phun thuốc BVTV công suất từ 1,6 – 4,3 CV | 38 |
10 | Máy gặt đập liên hợp công suất từ 35 – 60 CV | 59 |
11 | Máy tuốt đập lúa công suất từ 12; 15 CV | 3.315 |
12 | Máy và thiết bị chế biến thức ăn gia súc, gia cầm | 1.652 |
13 | Máy làm mát cho gia súc, gia cầm | 560 |
14 | Máy và thiết bị cho ăn tự động, uống tự động cho gia súc gia cầm | 939 |
15 | Phương tiện vận chuyển công suất từ 8 – 15 CV | 3.350 |
16 | Máy bơm nước (trạm bơm điện) | 654 |
17 | Động cơ nổ công suất từ 6 – 12 CV | 2.000 |
18 | Máy xay xát gạo công suất từ 12 – 17 CV | 3.100 |
19 | Máy, thiết bị trong nuôi trồng thủy sản | 1.367 |
20 | Máy chế biến thức ăn thủy sản (máy nghiền, máy ép đùn,…) | 35 |
21 | Tàu, thuyền khai thác thủy sản động cơ <20 CV | 1.476 |
22 | Tàu, thuyền khai thác thủy sản động cơ 20 -45 CV | 593 |
23 | Tàu, thuyền khai thác thủy sản động cơ 45 -90 CV | 249 |
24 | Tàu, thuyền khai thác thủy sản động cơ >90 CV | 388 |
1.6. Các loại hình tổ chức dịch vụ máy trong sản xuất nông nghiệp
Hiện nay tại Hải Phòng có một số loại hình dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp:
– Hộ tư nhân hoặc một nhóm tư nhân góp vốn đầu tư mua máy móc thiết bị để dịch vụ các khâu làm đất, tuốt đập lúa, gieo, cấy, gặt,… Đây là loại hình phổ biến nhất;
– Doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại tự đầu tư mua máy móc để tự phục vụ nhu cầu của đơn vị là chính, ngoài ra có thể cung cấp dịch vụ cho nhân dân xung quanh.
– Tổ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp dưới sự chỉ đạo của Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp. Hiện nay ở một số HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã hình thành mô hình dịch vụ cơ giới hóa liên kết các khâu sản xuất như: giống, làm đất, gieo cấy, tưới nước, thu hoạch dưới sự điều hành của Hợp tác xã. Mô hình này đã đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy cơ giới hoá vào sản xuất, giảm chi phí lao động, chất lượng hoạt động của máy tốt, đáp ứng quy trình thâm canh góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
- Một số cơ chế chính sách hỗ trợ cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng
Hải Phòng là một trong những địa phương của cả nước sớm ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp:
2.1. Giai đoạn 2000 – 2010: Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định 1467/QĐ-UBND ngày 23/7/2002 về việc phê duyệt kế hoạch đầu tư và cơ chế hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi mua máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, với cơ chế hỗ trợ 100% lãi suất 36 tháng, mức vay 70% giá trị máy (không quá 10 triệu đồng/máy). Đến năm 2008 đã sửa đổi chính sách nâng mức hỗ trợ theo Quyết định số 1819/QĐ-UBND ngày 27/10/2008 về việc phê duyệt cơ chế hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy cơ khí phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, thuỷ sản giai đoạn 2008 – 2010, hỗ trợ 100% lãi suất, 36 tháng, mức vay đến 100 triệu đồng/máy.
– Kết quả thực hiện chính sách trên, nông dân đã được hỗ trợ 3,5 tỷ đồng lãi suất, vốn vay, mua được 502 máy, chủ yếu là máy làm đất, tuốt đập lúa, máy sục khí thủy sản.
– Các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí khuyến nông, các huyện và các doanh nghiệp đã đầu tư hỗ trợ nông dân mua được 530 công cụ, thiết bị và máy nông nghiệp, gồm: 500 giàn sạ, 12 máy làm đất, 8 máy gặt liên hợp và rải hàng, 5 lò sấy và 5 lò hấp nấm. Hiệu quả mô hình đưa máy cơ giới vào sản xuất đã nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và hiệu quả kinh tế tăng 14-15% với mô hình áp dụng cơ giới hóa từng khâu sản xuất.
2.2. Giai đoạn 2011 – 2015: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 2242/QĐ-UBND ngày 21/12/2012 về việc Phê duyệt Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1596/QĐ-UBND ngày 21/8/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa năm 2013; Quyết định số 994/QĐ-UBND ngày 16/5/2014 về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình cơ giới hoá sản xuất lúa năm 2014;
– Kết quả: Trong 2 năm 2013-2014, Ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai đề án đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn tiến hành ở 12 xã điểm nông thôn mới; với cơ chế hỗ trợ 50% giá trị máy nông nghiệp KUBOTA Nhật bản. Tổ dịch vụ cơ giới hóa tại các địa phương đã tiếp nhận 80 máy nông nghiệp KUBOTA, gồm: 58 máy làm đất công suất từ 24CV trở lên, 07 giàn gieo mạ khay tự động, 172.315 khay gieo mạ, 52 máy cấy, 37 máy gặt đập liên hợp; tổng kinh phí được hỗ trợ là: 25.370 triệu đồng.
– Thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp: Năm 2014, toàn thành phố đã có 32 hộ tham gia vay vốn mua máy, thiết bị, tổng số máy, thiết bị gồm: 8 máy làm đất công suất 24CV trở lên, 25 máy gặt đập liên hợp DC35 và một số máy khác phục vụ nông nghiệp, thủy sản.
- Đánh giá chung
3.1. Ưu điểm:
– Máy cơ khí đã từng bước đáp ứng được nhu cầu cần thiết trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Hải Phòng. Một số khâu cơ khí hóa tăng mạnh trong sản xuất chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản, gieo cấy mạ khay, gặt đập liên hoàn…
– Các mô hình sản xuất trong Chăn nuôi trang trại, nuôi trồng thủy sản tập trung, cơ khí hóa đồng bộ trong sản xuất lúa màu đã tạo điều kiện để cơ giới hóa phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
– Các chính sách hỗ trợ phát triển cơ khí hóa nông nghiệp của Thành phố ban hành đã kịp thời giúp cho bà con nông dân đầu tư trang bị máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản có hiệu quả, đưa tỷ lệ cơ giới hóa tăng mạnh.
3.2. Những hạn chế, tồn tại
– Tỉ lệ cơ giới hoá trong một số khâu còn ở mức thấp, không đồng đều, khâu thâm canh, chế biến, bảo quản nông sản hầu như chưa được cơ giới hóa, sản xuất thủ công là chính.
– Máy cơ giới chưa phát huy được hiệu quả cao do hạ tầng kém, ruộng đất manh mún, đường giao thông nội đồng xuống cấp, nhiều nơi không có bờ vùng bờ thửa nên máy cơ giới đi lại khó khăn.
– Đầu tư cho cơ giới hóa thấp, yêu cầu vốn lớn so với khả năng của nông hộ, thiếu cơ sở dịch vụ máy cơ giới chuyên ngành; sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế; kỹ thuật vận hành sửa chữa máy nông nghiệp rất yếu.
– Công tác đào tạo lành nghề cho công nhân và nông dân về vận hành, sửa chữa các loại máy cơ khí nông nghiệp chưa được quan tâm thích đáng.
- Định hướng phát triển cơ giới hoá nông nghiệp Hải Phòng giai đoạn 2015-2020
Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ điện phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản thành phố Hải Phòng đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, với nhũng mục tiêu chính như sau:
– Về trang bị và sử dụng máy cơ điện trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản: Kết hợp nguồn động lực hiện có, tăng cường đầu tư để tiến tới cơ giới hóa cơ bản các khâu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, ưu tiên đầu tư trang bị ở các khâu: Cơ giới hóa phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản, vận chuyển trong nông nghiệp nông thôn và bảo quản chế biến nông sản, thuỷ sản.
– Mở rộng hệ thống cung ứng, dịch vụ, sửa chữa máy cơ điện nông nghiệp nông thôn, trên cơ sở phát triển các mô hình dịch vụ truyền thống gắn với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thật đáp ứng yêu cầu phát triển cơ điện nông nghiệp trong thời gian tới. Mỗi huyện có một trung tâm dịch vụ sửa chữa, lắp ráp máy cơ khí nông nghiệp, thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn và các địa phương lân cận.
- Đề xuất giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Để thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp nhằm tạo được vùng sản suất nông sản hàng hóa hiệu quả và bền vững, cần triển khai một số giải pháp như sau:
– Thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
– Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; Tổ chức sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng mở rộng quy mô qua việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
– Tổ chức đào tạo chuyên sâu, tập huấn diện rộng cho cán bộ kỹ thuật, các hộ gia đình, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp về vai trò, tác dụng cơ giới hóa nông nghiệp; kỹ năng trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp.
– Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật về chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất.
– Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, cơ khí hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm.
- Đề xuất và kiến nghị
– Cần có những chính sách phù hợp hơn đối với lĩnh vực phát triển cơ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng vào cuộc để các hộ nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay được dễ dàng, thuận tiện.
– Chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh công tác “dồn điền đổi thửa”, làm tốt công tác quy hoạch đồng ruộng, thủy lợi, giao thông nội đồng đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa đồng bộ.
– Tăng cường kinh phí phục vụ công tác tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, các hộ gia đình, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp về kỹ năng vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp./.
Nguồn: “Báo cáo Thực trạng và giải pháp phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Hải Phòng” của Sở nông nghiệp và PTNT Hải Phòng tại Hội nghị Cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 2015