Cập nhật: ngày 23/8/2014
Cây lúa là cây trồng chính của tỉnh Quảng Nam, diện tích gieo trồng vụ hè thu có khoảng 44.000 ha, trong đó khoảng trên 5.000 ha đất lúa không chủ động nước, sản xuất kém hiệu quả cần được chuyển đổi.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành, tỉnh đã chuyển đổi những vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất lạc – cây trồng ít tốn nước tưới, cây trồng xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân, đặc biệt là vùng khó khăn.
Vụ hè thu năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Nam đã xây dựng mô hình “Sản xuất lạc hè thu trên chân đất lúa kém hiệu quả” với quy mô 20 ha, sử dụng giống lạc mới L23.
Sau 4 tháng triển khai mô hình cho thấy, cây lạc L23 sinh trưởng khá tốt trên chân đất lúa chuyển đổi, về các chỉ tiêu: Chiều cao cây, tổng số cành/cây, tổng số cành cấp 1 đạt khá cao, số quả chắc trên cây đạt tỷ lệ cao, lạc ít nhiễm sâu bệnh và sinh khối lạc lớn, nhờ đó tích luỹ năng lượng để nuôi quả tốt hơn.
Theo đánh giá, mô hình cho hiệu quả cao, năng suất bình quân 25 tạ/ha, thu nhập 50 triệu đồng/ha (giá 20.000 đồng/kg lạc), nếu trừ chi phí vật chất và công lao động, mô hình lãi ròng trên 22 triệu đồng/ha; trong khi đó sản xuất lúa cho năng suất 45 tạ/ha, thu nhập khoảng 25 triệu đồng/ha, nếu trừ chi phí, mô hình lãi khoảng trên 6 triệu đồng/ha. Nếu tính hiệu quả kinh tế với 20 ha (quy mô mô hình) sản xuất lạc thì lãi ròng thu được khoảng 440 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Bình, nông dân tham gia mô hình cho biết: Gia đình ông có 2 sào (1.000m2) đất lúa, vụ hè thu thường sản xuất lúa, cho lãi 500.000 – 600.000 đồng/2 sào, có thời điểm phải bỏ hoang do thiếu nước tưới. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất lạc giống mới, đến nay ruộng lạc của gia đình ông cho năng suất cao, đạt 300 kg/2 sào, thu nhập gần 6 triệu đồng/2 sào, nếu trừ chi phí còn lãi gần 3 triệu đồng/2 sào. Ngoài ra ông còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn bảo quản lạc giống để sản xuất cho vụ sau. Ông Bình rất phấn khởi bởi mô hình đã góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình ông.
Ông Võ Văn Nghi – PGĐ Trung tâm KNKN Quảng Nam cho biết: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng đắn của ngành. Một số vùng thiếu nước tưới, sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả, có nguy cơ bỏ hoang vụ hè thu cần chuyển đổi sang cây trồng cạn mang lại hiệu quả cao hơn. Cây lạc được xác định là một trong những cây trồng hiệu quả, xét về giá trị hiệu quả kinh tế trồng lạc thì cao gấp 4 – 5 lần so với sản xuât lúa”.
Trong thời gian tới, Trung tâm KNKN Quảng Nam sẽ xây dựng mô hình trình diễn trên diện rộng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để bà con nông dân có điều kiện tiếp cận với các biện pháp kỹ thuật mới, đây là cơ sở cho các địa phương lựa chọn cây trồng phù hợp và mạnh dạn trong công tác chuyển đổi./.
Nguồn: http://www.khuyennongvn.gov.vn/