Cập nhật: ngày 10/1/2015
Ấn Độ nằm ở khu vực Nam Á. Dân số: hơn 1, 2 tỷ người. Ấn Độ có 28 bang và 7 lãnh thổ liên bang. Tổng diện tích tự nhiên : 328 triệu ha. Tổng diện tích gieo trồng: 190 triệu ha. Diện tích đất canh tác: 142 triệu ha. Ấn Độ được thiên nhiên ban tặng một diện tích đồng bằng rộng lớn. Chỉ riêng đồng bằng sông Ấn – Hằng đã có diện tích khoảng 77 triệu ha. Nông nghiệp Ấn độ đã trải qua hai cuộc cách mạng xanh. Cách mạng xanh lần thứ nhất được bắt đầu vào năm 1963 với việc thực hiện chương trình khai hoang, phục hoá, xây dựng hệ thống thuỷ nông … đặc biệt là việc tạo ra những giống lúa và cây trồng có năng suất cao. Diện tích cây lương thực không ngừng tăng. Cuộc cách mạng xanh lần thứ hai được phát động vào năm 1983 đã làm thay đổi về chất trong sản xuất nông nghiệp, nhờ việc tiếp tục tạo ra các loại giống và cây trồng có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu, chất lượng tốt, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp công nghệ và kỹ thuật canh tác mới mà việc quan trọng hàng đầu là quản lý và điều phối nguồn nước tưới. Bên cạnh cuộc cách mạng xanh, Ân Độ còn tiến hành một cuộc cách mạng trắng, tạo ra bước ngoặt trong chăn nuôi mà sản phẩm là sữa và trứng. Sản lượng sữa hàng năm tăng 6 % không những thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn biến Ấn Độ thành nước sản xuất sữa hàng đầu thế giới.
Hiện nay, mặc dù các ngành công nghiệp, du lịch và dịch vụ đang trên đà phát triển mạnh,, nhưng nông nghiệp Ấn Độ vẫn được xác định là xương sống của nền kinh tế , đóng góp 16% cho GDP và 10,23% kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo việc làm cho 52,1% cư dân. (Nguồn: Ủy Ban Thương mại Italia)
Để thực hiện các cuộc cách mạng trong nông nghiệp, cơ giới hóa đóng một vai trò quan trọng. Nhở cơ giới hóa mà các hoạt động trên đồng kịp thời vụ, đảm bảo được tưới tiêu, giảm tổn thất và nâng cao giá trị gia tăng của các khâu sau thu hoạch làm cho nông nghiệp tăng hiệu quả kinh tế.
II. Cơ giới hóa nông nghiệp Ấn Độ
1. Tình hình chế tạo máy nông nghiêp:
Việc sản xuất máy móc nông nghiệp ở Ấn Độ khá đa dạng và phong phú. Các cơ sở chế tạo bao gồm nhiều quy mô và trình độ khác nhau như: các làng nghề, các cơ sở công nghiệp quy mô nhỏ, các tập đoàn công nông nghiệp lớn. Hiện nay, Ấn độ đã trở thành nhà sản xuất máy kéo lớn nhất thế giới với 13 đơn vị chế tạo máy kéo, cung cấp 1/3 sản lượng máy kéo toàn cầu. Năm 2006 – 2007 chế tạo và bán ra 263.146 chiếc máy kéo cỡ 25 – 45mã lực. Máy kéo do Ấn Độ chế tạo đã xuất khẩu sang nhiều nước ở châu Phi, Trung Đông, châu Á, Nam Mỹ v..v… Ấn độ có 2 cơ sở chế tạo máy kéo tay, năm 2006 – 2007 cung cấp 13.375 máy/năm . Ngành công nghiệp cơ khí Ấn Độ cũng chế tạo được máy gặt đập liên hợp loại tự hành và loại do máy kéo kéo, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 700 – 800 máy. Đồng thời, nước này cũng chế tạo được các loại động cơ đi-ê -del, động cơ điện và hầu hết các máy và thiết bị nông nghiệp.
Số lượng nhà máy chế tạo máy nông nghiệp
STT | Loại cơ sở chế tạo | Số lượng cơ sở |
1 | Máy kéo nông nghiệp (4 bánh) | 13 |
2 | Máy kéo tay (2 bánh) | 2 |
3 | Máy san ủi | 3 |
4 | Máy bơm nước | 6000 |
5 | Thiết bị tưới phun | 35 |
6 | Hệ thống tưới nước nhỏ giọt | 35 |
7 | Thiết bị bảo vệ thực vật | 300 |
8 | Máy gặt đập liên hợp | 48 |
9 | Máy gặt lúa | 60 |
10 | Máy đập lúa | 6.000 |
11 | Máy gieo hạt | 2.500 |
12 | Cày, xới, bừa | 5.000 |
13 | Phụ tùng, phụ kiện máy kéo | 546 |
14 | Thiết bị và phụ tùng đi theo máy san ủi | 188 |
15 | Động cơ xăng và đi ê del | 200 |
16 | Máy chế biến lúa gạo | 300 |
17 | Máy ép mía | 50 |
18 | Máy cắt | 50 |
19 | Thiết bị chế biến sữa và thực phẩm | 500 |
20 | Cơ sở cơ khí thủ công và làng nghề | 1.000.000 |
2. Tình hình sử dụng máy nông nghiệp:
Năm 1960 – 1961, Ấn Độ mới có 40.000 máy kéo 4bánh, , 230.000 động cơ đi – ê- del, 20.000 động cơ điện và chưa có chiếc máy kéo tay nào. Đến năm 2005 có 2, 81 triệu máy kéo, 40.000maý kéo tay, 7,59triệu động cơ đi -ê – del, 14,46 triệu động cơ điện (theo Kỷ yếu Hội nghị các nhà chế tạo máy kéo và máy móc nông nghiệp, tổ chức tại CIAE Bhopal từ 16-17 Tháng 11, 2007).
Hiện nay, mức độ cơ giới hóa các khâu trong Nông nghiệp Ấn Độ như sau: Làm đất và chuẩn bị đồng ruộng: 40%. Gieo cấy: 29%. Thủy lợi: 37%. Bảo vệ thực vật: 34%. Gặt và đập: 60-70% (đối với lúa mì & lúa nước), nhỏ hơn 5% (đối với cây trồng khác) (Nguồn: Singh et al)
Cơ giới hóa đã đem lại tác dụng rõ rệt đối với sản xuất nông nghiệp như: tiết kiệm thời gian và sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng sản lượng cây trồng và làm tăng thu nhập của người nông dân. Các bằng chứng thực nghiệm tại Ấn Độ đã xác nhận rằng có sự tương quan chặt chẽ giữa cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Các tiểu bang có cônng suất động lực trong nông nghiệp lớn hơn thì có năng suất cao hơn so với những bang khác.
Hiện nay các mối đe dọa đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất và nước ngày càng tăng. Vì vậy, chính phủ Ấn độ đã khuyến khích sử dụng các máy có tác dụng hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn nguồn tài nguyên như: Sử dụng các máy trồng cấy, lên luống không cần làm đất, canh tác chính xác, tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun v…v… Cơ giới hóa còn có thể góp phần làm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhờ điều chỉnh lịch gieo trồng. Ví dụ, do biến đổi khí hậu làm cho mùa hè bắt đầu sớm ở các bang miền Bắc, thường dẫn đến năng suất lúa mì giảm 1,5 tạ mỗi ha, nếu trồng muộn một tuần sau trung tuần tháng mười một. Sự mất mát này có thể được ngăn chặn bằng cách thu hoạch khẩn trương vụ lúa trước bằng máy móc rồi sau đó lúa mì được gieo bằng máy gieo hạt không cần làm đất. Ở Ấn Độ cũng có tình trạng khan hiếm lao động trong các vụ giao trồng và thu hoạch. Do đó cơ giới hóa nông nghiệp cũng đòi hỏi phát triển mạnh hơn.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu về công cụ và thiết bị nông nghiệp khi chuẩn bị xây dựng kế hoạch 5 năm lần tứ 9 của chính phủ Ấn Độ thì cơ giới hóa nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích kinh tế như: Tăng năng suất cây trồng lên đến 12-34%; tiết kiệm hạt giống 20% do sử dụng máy gieo hạt có bón phân; tiết kiệm phân bón 15-20%; thâm canh cây trồng 5 – 22%; tăng tổng thu nhập của người nông dân lên đến 29 – 49%.
Do cơ giới hóa có tác dụng như vậy, nên việc sử dụng các máy nông nghiêp ngày càng tăng. Năm 71 – 72, động lực là sức người và sức súc vật chiếm 63,5%, tổng năng lượng trong nông nghiệp, động lực cơ khí (máy kéo, máy kéo tay và động cơ tĩnh tại) chiếm 36,5% thì đến năm 2009 – 2010, nguồn động lực là sức người và sức súc vật chỉ còn chiếm 13,67% so với động lực cơ khí là 86,33%.
Tỷ lệ % các nguồn động lực khác nhau trong nông nghiệp Ấn độ thay đổi qua các năm
Năm | Lao động làm nông nghiệp (%) | Súc vật kéo(%) | Máy kéo(%) | Máy kéo tay(%) | Động cơ diezel(%) | Động cơ điện(%) | Bình quân trên hakW/ha |
1971-72 | 10,64 | 52,86 | 8,45 | 0,11 | 17,16 | 10,79 | 0,424 |
1981-82 | 9,20 | 33,55 | 18,46 | 0,11 | 22,85 | 15,82 | 0,592 |
1991-92 | 7,22 | 20,50 | 26,14 | 0,16 | 21,14 | 24,84 | 0,907 |
2001-02 | 5,70 | 11,76 | 36,77 | 0,36 | 19,10 | 26,31 | 1,352 |
2005-06 | 5,39 | 9,97 | 38,45 | 0,44 | 20,09 | 25,66 | 1,498 |
2009-10 | 5,12 | 8,55 | 41,67 | 0,52 | 19,01 | 25,13 | 1,658 |
Nguồn: Singh et al
3. Chính sách đối với cơ giới hóa nông nghiệp
Nhằm nâng cao tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp, Chính phủ Ấn Độ đã có những chính sách hỗ trợ nông dân và các nhóm đối tượng liên quan trong việc mua các loại thiết bị nông nghiệp, tổ chức trình diễn các thiết bị mới để phổ biến công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực cho vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, quản lý máy móc nông nghiệp và cải thiện chất lượng thiết bị thông qua khảo nghiệm và đánh giá chất lượng. Dưới đây mức hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ cho nông dân mua máy nông nghiệp:
- Hỗ trợ 25% giá đối với maý gặt đập liên hợp, Máy xới cỏ có động cơ, Máy cấy lúa:
- 45% giá đối với máy kéo tay
- 50% giá đối với máy đập lúa, máy phay đất, máy gieo hạt không cần làm đất, máy phun thuốc trừ sâu có động cơ và thủ công, thiết bị tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới phun.
(nguồn: Ủy Ban Thương mại Italia)
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2012-17) về cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Ấn độ sẽ thực hiện 7 chương trình sau:
1) Đẩy mạnh và tăng cường phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thông qua việc đào tạo, thử nghiệm và trình diễn.
2) Công nghệ sau thu hoạch và Quản lý (PHTM).
3) Hỗ trợ tài chinh hoặc trợ cấp mua sắm máy móc và thiết bị nông nghiệp.
4)Thiết lập các ngân hàng máy móc nông nghiệp hỗ trợ các dịch vụ cho thuê máy.
5)Thiết lập các trung tâm thiết bị năng suất cao và công nghệ cao.Dự kiến thành lập 100 trung tâm kiểu này.
6) Nâng cao năng suất trong nông nghiệp ở cấp làng xã bằng cách đưa các máy móc nông nghiệp thích hợp vào các làng được lựa chọn. Dự kiến chọn 100.000 làng có năng suất thấp để thực hiện chương trình này.
7) Tạo nên các chủ sở hữu thiết bị nông nghiệp thích hợp trong các nông hộ nhỏ ở vùng phía Đông và Đông bắc.
Chương trình 1 và 2 là tiếp tục chương trình đã thực hiện trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 và sẽ do Cục Nông nghiệp và Hợp tác, Bộ Nông nghiệp) thực hiện. 5 chương trình khác được thực hiện bởi những người nông dân, nhóm tương trợ lẫn nhau (SHGs), nhóm người sử dụng thiết bị, các hợp tác xã của nông dân, các doanh nghiệp tư nhân.
Tài liệu tham khảo
- Ấn Độ – sự thần kỳ của nông nghiệp (trang Web của Tổng lãnh sự quán Viêt nam tại Bombay 21-09-2009)
- Farm mechanization in India (excerpt from the State of Indian Agriculture : 2012 Report)
- India Opportunities for Agricultural Mechanization (IMaCS Virtus Global Partners, Inc)
- Mechanization of Agriculture – Indian scenario. Dr. S.D. Kulakarni – Central Institute of Agricultural Engineering (CIAE)
- Agricultural Machinery in India: IPR Perspective – Padmavali Manchikanti and Mahasweta Sengupta Rajiv Gandhi School of Intellectual Property, IIT Kharagpur, West Bengal, India.
Ks.Hà Đức Hồ
Phó tổng thư ký – Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam