Phú thọ tích cực thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: ngày 17/9/2014

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, các địa phương đã tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.

may-cay-lua-hamco-do-viet-nam-san-xuat-tren-dong-ruong-huyen-tam-nong- tinh-phu-tho

Máy cấy lúa HAMCO do Việt Nam sản xuất trên đồng ruộng xã Dậu Dương, huyện Tam Nông

Lâm Thao là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn đã triển khai đồng bộ thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó Vĩnh Lại là xã đi đầu trong việc đưa máy cấy vào sản xuất lúa thành công. Vụ xuân 2014, Vĩnh lại đã triển khai mô hình 1 chiếc máy trình diễn cấy 10 ha lúa và được đánh giá là phù hợp trên đồng ruộng địa phương, qua đó cho thấy năng suất lúa cấy bằng máy tăng 10-12%. Trên thực tế, nếu như trước đây, để thu hoạch 3 sào lúa phải mất một buổi sáng với 10 nhân công gặt; còn khi sử dụng máy gặt đập liên hợp, thu hoạch diện tích lúa này chỉ mất khoảng 30 phút nên chi phí giảm đi rất nhiều. Đơn cử như việc gặt tay và đưa lúa về tuốt mất khoảng 350.000 đồng/sào, nay sử dụng máy chỉ tốn 100.000 đồng/sào. Anh Nguyễn Văn Vinh –  khu Thụy Vân, xã Cao Xá cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 10 sào ruộng trồng lúa. Hơn 2 năm nay, sau khi gia đình đầu tư máy gặt và máy cày cỡ lớn, việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Trừ chi phí, hằng năm, gia đình tôi thu được hơn 70 triệu đồng (trước đây chỉ 25 – 30 triệu đồng). Sử dụng máy móc làm lợi công rất nhiều, 1 máy cày cỡ lớn có thể làm được 1 ha đất/ngày; máy gặt bình quân khoảng 2 ha/ngày…”.

Huyện Tam Nông trong thời gian qua cũng đã tập trung chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm khâu nặng nhọc cho người dân ở cả 3 khâu: làm đất, gieo cấy, thu hoạch, bảo đảm cho 95% tổng diện tích đất gieo trồng và 97% diện tích đất trồng lúa toàn huyện. Qua cơ chế “kích cầu” của huyện, nông dân đã mạnh dạn đầu tư mua 106 máy giàn sạ lúa theo hàng; 2 máy gặt đập liên hợp; 175 máy tuốt lúa… tạo bước đột phá mạnh mẽ trong việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. Đối với khâu thu hoạch, khâu ra hạt, khâu tuốt lúa, do tính chất khẩn trương của thời vụ và sức ép thiếu lao động lúc mùa vụ nên nông dân trong huyện cũng đã quan tâm đầu tư, đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến máy tuốt lúa bằng động cơ, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp thực hiện được cả hai công đoạn gặt và tuốt; vừa cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc cho người nông dân, vừa rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, giảm tỷ lệ rơi vãi…

Gặp ông Phạm Văn Thắng – khu 1, xã Dậu Dương, huyện Tam Nông, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt, ông chia sẻ: “Ruộng này có 3 sào thôi, trước kia cấy bằng tay quá vất vả bây giờ chuyển sang cấy bằng máy thấy nó nhẹ nhàng, nhàn nhã hơn, chỉ 20 phút là cấy xong”. Thay vì cấy tay thủ công trên ô ruộng rộng 3 sào như mọi năm thì vụ mùa năm 2013, gia đình ông đã sử dụng máy cấy theo chương trình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện Tam Nông phối hợp triển khai. Sử dụng máy cấy để thực hiện như thế này với gia đình ông Thắng cũng như người dân ở xã Dậu Dương mới là lần đầu, ai nấy cũng đều phấn khởi khi thấy năng suất thực hiện của máy cấy hiệu quả hơn hẳn so với cấy thông thường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Kiều Quốc Phong – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết: Qua thực tế triển khai điểm tại đồng đất xã Dậu Dương cho thấy, việc cấy bằng máy có khoảng cách hàng và khoảng cách khóm đều, đặc biệt là năng suất thực hiện nhanh hơn rất nhiều so với cách làm thủ công. Với máy cấy, nếu vận hành tốt, năng suất máy cấy có thể đạt 6 sào/giờ. Như vậy, trung bình 1 ngày làm 8 tiếng thì máy cấy cấy được hơn 4 mẫu, tương đương với 40 người cấy tay thông thường. Bên cạnh đó, chi phí công cho cấy máy là 100.000 đồng/sào, chỉ bằng một nửa so với công cấy tay hiện nay. Việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân. Từ đó, làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động; đồng thời mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng yêu cầu sản xuất; tiết kiệm giống, phân bón, nước; kịp thời mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết… Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con nên liên kết với nhau cùng sản xuất: gieo mạ đúng kỹ thuật, cấy cùng một giống theo hình thức cánh đồng mẫu lớn thì mới phát huy được năng suất của máy, giảm số lao động, tránh tình trạng hộ cấy, hộ không rất khó cho việc cơ giới hóa. Tuy nhiên hiện tại, trên địa bàn huyện, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng bộ, chỉ có xã Dậu Dương là địa phương mạnh dạn đầu tư và đã thành công…

Tuy mang lại hiệu quả cao nhưng các điều kiện cần thiết cho phát triển cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: ruộng đất manh mún, hạ tầng giao thông đồng ruộng chưa phù hợp, nông dân thiếu vốn, tính hợp tác chưa cao, nông dân làm ruộng trong thời kỳ giá cả vật tư tăng, nguồn nhân lực bị thiếu, từ đó đã làm cho nhiều nơi nông dân có tâm lý không mặn mà với việc đồng áng. Bên cạnh đó, máy móc nhập từ nước ngoài thường đắt tiền, chưa phù hợp với quy mô sản xuất manh mún và khả năng tài chính của nông dân. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp cũng là một trong những trở ngại khi ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp… Đây cũng là điều dễ hiểu bởi cơ giới hóa trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của hộ nông dân và các thành phần kinh tế – tự bỏ vốn đầu tư trang bị, thiếu sự quản lý và chỉ đạo thống nhất của các cấp chính quyền.

Theo ông Lê Toàn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Cây lúa vẫn là cây trồng chính của người nông dân Phú Thọ. Vì vậy thời gian qua các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã rất quan tâm đến việc đưa các thiết bị máy móc vào sản xuất của bà con nông dân. Đến nay từ nguồn vốn nhà nước, đã hỗ trợ cho nông dân được 763 máy nông nghiệp, trong đó có 428 máy làm đất, 12 máy gặt đập liên hợp, 5 máy cấy lúa, 174 máy vò lúa… Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành, thị đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; thực hiện dồn điền, đổi thửa; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hệ thống giao thông nội đồng… để đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã có máy hỗ trợ con người, công việc lao động thủ công nặng nhọc bằng tay chân nay được thay thế bằng sức làm của máy móc đã góp phần nâng cao năng suất, nâng cao trình độ kỹ thuật của người lao động và hiệu quả công việc. Nhờ có máy cơ giới đưa vào sản xuất làm thay sức người đã làm thay đổi rất nhiều diện mạo nông thôn, bà con nông dân có thời gian dảnh dỗi hơn để làm thêm nhiều việc khác phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động văn hoá nâng cao chất lượng cuộc sống, là xu thế tất yếu của một môi trường nông thôn mới của thời đại đất nước phát triển.

Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông dân tỉnh Phú Thọ đã từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đây cũng là hướng đi giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần quan trọng đưa Phú Thọ hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phát triển theo hướng CNH, HĐH.

Nguồn: http://phutho.gov.vn

Ý kiến bạn đọc