Ngành mía đường sẽ giảm 20% chi phí nếu được cơ giới hóa

Cập nhật: Ngày 04/08/2014

Theo ông  Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, với chi phí sản xuất mía gần như cao nhất thế giới, ngành mía đường của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn lớn.

Ngành mía đường sẽ giảm chi phí nếu được cơ giới hóa

Toàn cảnh hội thảo

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng ngành mía đường Việt Nam sẽ giảm 20% chi phí nếu được cơ giới hóa

Ngày 14/7, Hội thảo quốc tế về “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía” để nâng cao thu nhập cho người nông dân đã diễn ra tại TPHCM do tập đoàn Thành Thành Công tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Nông Nghiệp và PTNT cùng hơn 50 chuyên gia hàng đầu về trồng mía, máy móc cơ giới của Việt Nam và quốc tế,… Theo các chuyên gia trồng mía hàng đầu đến từ Mỹ, Úc và các nước châu Á, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất mía sẽ giúp tăng năng suất đường trên mỗi hecta thêm 15-20%, đồng thời  chi phí sản xuất sẽ giảm đến 20% so với phương thức canh tác hiện tại.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, là tập đoàn sở hữu cổ phần trong nhiều công ty mía đường ở Việt Nam hiên nay, cho rằng ngành mía đường Việt Nam đang phải “vật lộn” với đường giá rẻ nhập từ Thái Lan, bởi mấu chốt là chưa giải quyết được cái gốc là năng suất cây mía. Nếu cải tiến được công nghệ, chi phí sản xuất,…thì không cần phải vất vả chống đường nhập lậu như hiện nay, tự đường nhập lậu không còn đất sống trên thị trường.

Còn ông Thừa cho rằng, khi mở cửa thị trường, ngành mía đường trong nước sẽ bị áp lực cạnh tranh khốc liệt nếu không kịp thời tìm ra giải pháp hiệu quả. Theo đó, đời sống của hàng nghìn hộ nông dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng.

Thống kê của Ủy ban Mía đường Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng trên 310.000 ha mía. Từ niên vụ mía 2009 – 2010 đến nay, sản lượng đường cả nước tăng ổn định, trung bình tăng 200.000 tấn/năm. Riêng niên vụ 2013-2014, sản lượng đường đạt kỷ lục gần 1,6 triệu tấn. Trong niên vụ này, năng suất đường ở mức cao nhất từ trước đến nay đạt 5,47 tấn/ha. Tuy nhiên, năng suất mía đường của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/2 thế giới. Chủ tịch Ủy ban Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc cho rằng, diện tích trồng mía hiện còn khá manh mún. Các yếu tố về khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa chưa được áp dụng nhiều vào quá trình sản xuất gây lãng phí phân bón. “Những năm qua, phong trào chạy theo “giống mới” quá nhiều. Việc di chuyển giống từ nước ngoài về, từ vùng này sang vùng khác đã khiến công tác kiểm dịch không được kiểm soát tốt, các loại giống nhanh chóng bị thoái hóa. Ngoài ra, việc thu hoạch và vận chuyển thủ công, không đúng kỹ thuật nên khoảng 10-15% lượng đường đã bị thất thoát, trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ có 1-2%”, ông Lộc nói.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo trong có nhiều chuyên gia quốc tế đóng góp giải pháp đáng lưu ý cho ngành mía đường Việt Nam. Cụ thể, chương trình nhân giống mía ba cấp hay công tác quản lý mía gốc tốt hơn sẽ giúp tiết giảm chi phí trong sản xuất. Đồng thời, trong chế biến, các công ty mía đường cần tăng cường sản xuất phế phụ phẩm, để giảm giá thành mía đường. Để giảm chi phí sản xuất mía, ngành mía đường cần đầu tư mạnh vào công tác tưới, tiêu nước, chăm sóc mía, sử dụng phân bón hợp lý cũng như đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, bên cạnh đó, sử dụng giống mía tốt, giống mía sạch bệnh dựa trên nền tảng nghiên cứu chọn tạo bài bản.

Nguồn: http://baolaodongthudo.com.vn/

Ý kiến bạn đọc