Cập nhật: ngày 27/8/2014
Trước dự báo hiện tượng ElNino sẽ quay trở lại, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo mở rộng diện tích trồng các cây vụ đông ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương…), giảm diện tích cây vụ đông ưa lạnh.
Ông Trần Xuân Định cho biết, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW, năm nay Việt Nam sẽ chịu tác động của ElNino. Nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè.
Thông thường, diện tích trồng cây ưa lạnh chiếm tỷ lệ gần 60%, còn lại là nhóm cây ưa ấm. Năm nay chúng tôi khuyến cáo bà con đảo ngược tỷ lệ này và cân đối tỷ lệ các giống cây ưa lạnh… bởi nếu hiện tượng ElNino xảy ra, nhiệt độ các tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn bình thường. Song song với đó, cần lưu ý là phải trồng rải vụ để hạn chế áp lực thị trường.
Trong những năm gần đây, năng suất bình quân của cây ngô đông đạt rất thấp, khoảng gần 4 tấn/ha. Tuy nhiên, chúng ta đã có các giống ngô có thân, lá rất gọn, có thể tăng mật độ trồng từ 5 vạn cây/ha lên 7 vạn cây/ha.
Một loạt các gói tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh ngô cũng đã ra đời, phù hợp với điều kiện khí hậu của nhiều vùng sinh thái và đặc thù của giống. Với những bước tiến trong nghiên cứu khoa học, hy vọng rằng năng suất ngô sẽ tăng và đảm bảo được hiệu quả kinh tế bền vững cho người nông dân.
Ngoài ra, những nhóm cây vụ đông ưa ấm cho hiệu quả kinh tế cao và dễ làm như dưa chuột, bầu, bí, ớt… cũng cần tăng diện tích gieo trồng. Đối với sản phẩm bí đỏ, bí xanh, trong thời điểm thu hoạch nếu được giá bà con có thể bán ngay.
Còn nếu giá thấp, chúng ta có thể tự bảo quản ở những điều kiện thường trong 1 – 2 tuần, chờ thời điểm khan hiếm mới bán để điều tiết thị trường, vừa bảo đảm giá trị và nâng cao thu nhập.
Trên thực tế, nước ta có tiềm năng to lớn để SX vụ đông. Nhưng, tổng giá trị sản phẩm vụ đông chưa đạt 1 tỷ USD. Thậm chí năng suất của một số loại cây trồng như đậu tương không những không tăng mà còn giảm, ông có thể lý giải về điều này?
Khó khăn lớn nhất trong SX vụ đông là thời tiết biến động rất thất thường. Ví dụ năm 2013 vào thời điểm gieo trồng các loại cây vụ đông ưa ấm như đậu tương, khoai lang thì mưa lớn ập đến làm ngập, dẫn đến thời vụ bị lùi lại. Mặt khác, nhiều cơn bão với cường độ mạnh ập vào cũng làm thiệt hại đáng kể diện tích hoa màu.
Khó khăn thứ hai là thị trường tiêu thụ một số loại cây có giá trị kinh tế cao không ổn định. Ví dụ như ớt, trồng 1 ha ở vụ thu đông có thể cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên sản phẩm này lại phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nếu Trung Quốc giảm thu mua, giá sẽ giảm xuống rất thấp.
Thứ ba, việc tổ chức chuỗi liên kết SX vẫn chưa được hoàn hảo, thậm chí là yếu kém. Đầu ra sản phẩm chủ yếu trông chờ vào lực lượng tư thương. Họ gom rồi tiêu thụ ở thị trường trong nước, hoặc bán cho thương nhân Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên giá cả rất bấp bênh.
Bên cạnh đó, việc SX an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm thì vẫn còn nhiều bất cập. Đó là rào cản kỹ thuật lớn để nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả trong SX vụ đông, thưa ông?
Trước tiên, các địa phương phải đẩy mạnh dồn điền đổi thửa để thúc đẩy hình thành những vùng SX hàng hoá. Và mỗi hộ dân có diện tích đủ lớn để gieo trồng rau màu.
Tôi lấy ví dụ, nếu mỗi nhà chỉ trồng 2 – 3 sào trồng đậu tương vụ đông thì thu được vỏn vẹn hơn 1 tạ hạt đậu tương thương phẩm, chẳng ai bõ làm. Nhưng nếu tích tụ được ruộng đất, những năm trước, ở Phú Xuyên (Hà Nội) có những nông dân đã làm được 5 – 7 ha, họ đầu tư bài bản trong thâm canh đậu tương và thu được lợi nhuận khá lớn.
Số tiền ấy có thể phục vụ cho con cái họ đi học và mua sắm.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: http://nongnghiep.vn/