(Nguồn: http://canthotv.vn; ngày 16 Tháng 4, 2015)
Chiều ngày 15-4, tại TP Cần Thơ, UBMTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tọa đàm “Xây dựng hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu long”. Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.
Các tham luận, báo cáo trình bày tại tọa đàm cho thấy, vùng ĐBSCL đang có không ít các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả, giúp cải thiện thu nhập và mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác cho xã viên cũng như góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhờ tham gia các HTX và THT mà nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao được chất lượng, giá bán sản phẩm. Đồng thời, nông dân cũng có nhiều điều kiện thuận lợi trong tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, dễ liên kết với doanh nghiệp trong khâu cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra so với từng nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tuy nhiên, việc phát triển HTX kiểu mới (theo Luật HTX 2012) tại ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các nguyên tắc, giá trị của HTX kiểu mới chưa được hiểu đúng và thực hiện đầy đủ; trình độ, năng lực của đội ngũ lãnh đạo HTX còn yếu kém, sự hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến, của Nhà nước chưa đủ mạnh; HTX còn gặp khó trong tiếp cận vốn, thu hút xã viên và phát triển các dịch vụ phục vụ xã viên… Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ những mặt được và hạn chế trong quá trình phát triển HTX kiểu mới hiện nay, trong đó có nêu những mô hình HTX, THT cụ thể tại các tỉnh, thành ĐBSCL và có đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển HTX trong thời gian tới. Trong đó, nhiều đại biểu khẳng định, việc các nông hộ nhỏ lẻ liên kết lại hình thành các THT và HTX để tạo sức mạnh chung, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập hiện nay là xu hướng tất yếu. Các cấp chính quyền trung ương và địa phương cần quan tâm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tạo thuận lợi vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, nhất là các hợp tác xã. Khuyến khích sự liên kết giữa HTX với doanh nghiệp…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam nhấn mạnh, các địa phương vùng ĐBSCL cần phải quan tâm phát huy vai trò tích cực của HTX trong quá trình phát triển sản xuất và hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là việc giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm. Nông dân cần liên kết, hình thành các HTX kiểu mới để có sức mạnh kinh tế và pháp lý, đủ sức cạnh tranh trong điều kiện mới hiện nay. Đồng chí cũng chỉ rõ, HTX kiểu mới làm cho việc sản xuất cá thể của xã viên có sức cạnh tranh hơn, thu nhập cao hơn thông qua việc HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất lượng cao, các xã viên phối hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh và tổ chức tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Các nông hộ tham gia HTX kiểu mới không đem đất đai, tư liệu sản xuất góp vào HTX mà chỉ góp vốn…
* Trước đó, sáng ngày 15-4, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương đã đến khảo sát tình hình hoạt động của một số THT và HTX tiêu biểu trên địa bàn TP Cần Thơ. Tháp tùng đoàn có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Đoàn đã đến khảo sát hoạt động của THT Khiết Tâm ở huyện Vĩnh Thạnh và HTX chăn nuôi bò sữa Long Hòa, quận Bình Thủy. HTX bò sữa Long Hòa, phường Long Hòa, quận Bình Thủy được thành lập từ tháng 3-2004, lúc đầu chỉ có 12 xã viên nuôi 26 con bò sữa. Qua 3 lần đại hội, đến nay phát triển lên 25 xã viên, với 300 con bò sữa, bình quân một hộ nuôi từ 6-12 con. Trong 300 con bò sữa, thường xuyên có khoảng 159 con cho sữa, sản lượng mỗi ngày 2.200-2.300 kg (bình quân 15kg sữa/con/ngày). Với giá sữa tươi 14.000 đồng/kg thì mỗi con bò sữa cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Qua đó, giúp xã viên HTX có thu nhập bình quân từ 150-200 triệu đồng/năm. Trong khi đó, mô hình “cánh đồng lớn” ấp D2, xã Thạnh Lợi được hình thành vào vụ đông xuân 2011-2012 trên cơ sở THT Khiết Tâm của ấp D2. Bước đầu có 18 hộ tham gia, với diện tích 75 ha, sản xuất lúa Jasmine 85 và được Công ty Gentraco ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa, trong đó có 50 ha thực hành sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Kết quả nông dân trúng mùa, được giá và có thu nhập hơn 31,7 triệu đồng/ha, tăng hơn 14 triệu đồng/ha so với nông dân bên ngoài mô hình. Đến nay, diện tích lúa cánh đồng lớn của THT Khiết Tâm đã được nâng lên 1.200 ha, với 450 nông hộ thành viên. Trong đó, có 340 ha được doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa. Được sự hỗ trợ của thành phố và các dự án quốc tế, hiện THT Khiết Tâm đã đầu tư được máy san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, máy gặt đập liên hợp, lò sấy, kho chứa lúa… nhờ vậy đã chủ động trong quá trình sản xuất, bảo quản lúa, giúp bán được giá cao.
Khánh Trung (Báo Cần Thơ)