Cập nhật: Ngày 05/08/2014
Sau khi vượt lên mức cao nhất 1 năm vào hôm đầu tuần, giá gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục lập đỉnh mới, tăng thêm 100 đồng/kg.
Giá tăng lên mức cao mới
Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, vào chiều hôm qua (31-7), gạo nguyên liệu của giống IR 50404 tại Tiền Giang, Đồng Tháp được doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu mua vào với giá 7.600-7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với mức giá hôm đầu tuần (28-7) và đây cũng là mức giá đỉnh được xác lập tính đến thời điểm này.
Riêng đối với gạo nguyên liệu của các giống lúa hạt dài như OM 4218, OM 5451, theo một số thương lái kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, thì vẫn đứng ở mức 7.800-7.900 đồng/kg nhưng nguồn cung của loại gạo này hiện đã không còn nhiều.
Đối với mặt hàng lúa IR 50404 (tươi), ông Nguyễn Thanh Thọ, thương lái kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết hiện được thương lái ở ĐBSCL mua vào phổ biến ở mức 5.000-5.200 đồng/kg (tùy vùng), tăng khoảng 50-100 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần.
Lý giải nguyên nhân giá lúa gạo tăng mạnh, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam, cho biết lệnh cấm xuất khẩu của Thái Lan vẫn đang có hiệu lực và diện tích gieo trồng ở Ấn Độ tiếp tục sụt giảm, dù tình hình thời tiết được cải thiện là những yếu tố tác động trực tiếp đến xu hướng giá lúa gạo châu Á, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, nhu cầu từ Trung Quốc đang cao và nguồn cung trong nước khan hiếm là nguyên nhân kéo giá lúa gạo nội địa tiếp tục tăng.
Đối với tình hình đăng ký hợp đồng xuất khẩu, tính đến ngày 22-7-2014, doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã ký được hợp đồng bán hơn 5,54 triệu tấn gạo, tăng hơn 320.000 tấn so với hồi đầu tháng 7, theo một nguồn tin riêng từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết.
Về mức giá trúng thầu, dù không được tiết lộ nhưng dựa vào giá chào xuất khẩu và giá gạo nội địa liên tục tăng mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, nguồn tin này suy đoán mức giá trúng thầu sẽ không dưới 430-440 đô la Mỹ/tấn.
Philippines mua gạo: cơ hội được chia đều
Trong khi đó, đối với nhu cầu mua thêm 500.000 tấn gạo của Philippines, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA), cho biết sẽ đấu thầu mở vào ngày 12-8 tới và dự kiến giao hàng kể từ đầu tháng 9-2014.
Nói về hợp đồng này, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam Nguyễn Đình Bích, cho biết cơ hội sẽ được chia đều cho các nước xuất khẩu.
Theo ông Bích, với mức giá bị đấy lên khá cao, đặc biệt là đối với gạo Việt Nam, thì Thái Lan chắc chắn sẽ tham gia tích cực vào cuộc đua cung cấp 500.000 tấn này, dù họ đang có lệnh tạm ngưng xuất khẩu để kiểm tra kho gạo. “Ưu thế của Thái Lan bây giờ là đang có giá chào thấp hơn của Việt Nam”, ông Bích nói thêm.
Cũng theo ông Bích, ngược lại giá lúa gạo nội địa của Việt Nam lên rất nhanh như thời gian qua, thì doanh nghiệp trong nước có tham gia đấu thầu, chắc chắn cũng không dám mạo hiểm chào bán giá thấp “bởi làm như thế, doanh nghiệp sẽ lỗ”, ông nói.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhà chuyên môn, với ưu điểm là bạn hàng truyền thống của Philippines, doanh nghiệp Việt Nam am hiểu đối tác hơn, đó là một lợi thế có thể sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra một quyết định có lợi.
Được biết, vào ngày 15-4-2014 rồi, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã vượt qua đối thủ đến từ Thái Lan để giành quyền cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines. Trước đó, vào cuối năm 2013, doanh nghiệp Việt Nam cũng giành được hợp đồng cung cấp 500.000 tấn cho quốc gia này.