(Nguồn: www.chinhphu.vn, ngày 24/05/2015)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam
Mục tiêu chung của Đề án trên là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đề án phấn đấu đến năm 2020 hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.
Phát triển thương hiệu vùng, địa phương, DN
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án sẽ thực hiện nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu gạo Việt Nam; phát triển thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương; phát triển thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm gạo…
Cụ thể, Đề án sẽ tổ chức hoạt động đồng bộ nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam đến doanh nghiệp, người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế thông qua nhiều hoạt động; thúc đẩy các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo đạt các tiêu chí thương hiệu gạo quốc gia.
Hỗ trợ DN sử dụng thương hiệu gạo quốc gia
Đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo quốc gia trong xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng giống, công nghệ hỗ trợ, quản lý chất lượng, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gạo; xây dựng và phát triển các thương hiệu gạo vùng, địa phương cho các sản phẩm gạo đặc sản, giống địa phương, phù hợp với định hướng thương hiệu gạo quốc gia.
Ưu tiên lựa chọn 3 giống đặc sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia.
Phương Nhi