Cập nhật: ngày 23/6/2015
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xu thế chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông thôn sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đòi hỏi phải có máy móc thay thế lao động thủ công. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh cơ giới hoá và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp.
Cùng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới đã tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm nông nghiệp, vấn đề dinh dưỡng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng càng khắt khe hơn.
Ngoài ra, cơ giới hóa nông nghiệp có ý nghĩa lớn trong việc giảm tổn thất sau thu hoạch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Trong những năm qua cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, một số khâu sản xuất trong nông nghiệp đã được cơ giới hóa giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, sự phát triển còn thiếu bền vững, cơ giới hóa mới chỉ tập trung vào cây lúa ở một số khâu, chưa đồng bộ, tổn thất sau thu hoạch còn cao, ngành cơ khí trong nước chậm đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhiều chủng loại máy nông nghiệp phải nhập khẩu.
Tại Hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá thực trạng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Báo cáo gồm 02 phần: Phần I. Thực trạng cơ giới hóa nông nghiệp; Phần II. Các giải pháp chủ yếu.
Phần 1
THỰC TRẠNG CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP
I. Thực trạng chung về cơ giới hóa nông nghiệp
1. Về trang bị động lực, mức độ cơ giới hóa các lĩnh vực:
Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, đối với lúa đạt 2,2 HP/ha canh tác, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008. Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng nhanh, cụ thể: so với năm 2006 số lượng máy kéo tăng 1,6 lần, máy gặt lúa tăng 25,6 lần (tập trung chủ yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 75% số lượng máy gặt trên cả nước), máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 5,8 lần; bơm nước dùng sản xuất nông nghiệp tăng 1,2 lần; một số loại máy giảm về số lượng như: máy tuốt lúa giảm 50% do sử dụng máy gặt đập liên hợp tăng, máy sấy giảm 8% về số lượng nhưng năng lực sấy tăng 20% (máy sấy năng suất nhỏ (1-4 tấn/mẻ) dần thay máy sấy có năng suất lớn (10-30 tấn/mẻ).
Mức độ % cơ giới hoá bình quân các khâu và các loại cây trồng cụ thể như sau:
a) Lĩnh vực trồng trọt:
– Khâu làm đất: Lúa đạt 92% (tăng gần gấp đối so với năm 2000), cao nhất vùng đồng băng sông Cửu Long đạt 98%, thấp nhất trung du miền núi phía Bắc đạt 45%. Mía đạt 80% ở những vùng sản xuất tập trung, địa hình bằng phẳng, như: Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Nai…Ngô: đạt 70%. Sắn đạt 80%. Vùng rau chuyên canh đạt 90%,
– Khâu gieo, trồng: Đối với Lúa gieo bằng công cụ xạ hàng và cấy đạt 30%; Đối với mía trồng bằng máy đạt khoảng 30% tập trung ở một số Công ty mía đường như: Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, Phú Yên còn các hộ dân trồng thủ công. Cao su: trồng bằng máy đạt 70%.
– Khâu chăm sóc (vun xới, phun thuốc bảo vệ thực vật): Phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa đạt khoảng 60%; xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè, mía đạt khoảng 70%.
– Khâu tưới tiêu: Đến cuối năm 2013, cả nước đã xây dựng trên 20.000 công trình thủy lợi lớn, nhỏ, hồ chứa nước, đã tưới cho trên 7,2 triệu ha gieo trồng; riêng cho cây rau màu đạt 1,5 triệu ha, năng lực tiêu thoát nước cho đất nông nghiệp trên 1,8 triệu ha. Ngành cơ khí phục vụ khâu chủ động tưới tiêu nước đã có tác động tích cực trong quá trình thực hiện cơ giới hoá tưới tiêu.
Đến cuối 2013, toàn quốc hiện có 2.169.868 máy bơm nước các loại, so với 7 năm về trước, số lượng bơm tăng lên 1,67 lần. Tính bình quân trên 100 ha đất nông nghiệp có 6,85 máy bơm; đất trồng cây hàng năm là 0,3 máy.
– Khâu thu hoạch: Đối với Lúa tăng từ 5% năm 2000 lên 42% năm 2014, cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 76%, phía bắc bình quân đạt 20%. Các loại cây trồng khác: Mía chủ yếu thu hoạch thủ công. Hiện nay, một số công ty như: Công ty CP mía đường Biên Hòa, Công ty CP Bourbon Tây Ninh đã đầu tư máy thu hoạch hiện đại John Deere (Mỹ) năng suất 1,5 ha/giờ song, cơ giới hóa thu hoạch đạt khoảng 20%. Chè: sử dụng máy đốn, hái chè đạt 20%, tập trung ở Nghệ An, Lâm Đồng, Yên Bái, Thái Nguyên. Cà phê: đã ứng dụng một số loại máy thu hoạch bằng tay có năng suất 1,2 -2 tấn/ngày (hiện có khoảng 400 máy), thu hoạch chủ yếu bằng thủ công. Ngô, sắn: chủ yếu thu hoạch bằng thủ công.
– Khâu vận chuyển: Lúa trên đồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mía nguyên liệu, thu gom mủ cao su được cơ giới hóa 100% bằng các phương tiện như: ghe, thuyền, romoc, oto…xe nông dụng.
– Khâu bảo quản (sấy, dự trữ): Hiện nay năng lực sấy lúa của ĐBSCL đạt khoảng 55%, chủ yếu máy sấy tĩnh vỉ ngang chiếm khoảng 90%, máy sấy tháp 10% năng lực sấy. Về bảo quản: lúa gạo ở ĐBSCL chủ yếu được chứa trong các nhà kho lớn có nền bê tông và mái tôn (chứa lúa gạo đóng bao) hay các kho chứa với kết cấu thép, dạng hình vuông hoặc chữ nhật để chứa lúa gạo dạng hạt rời (bin chứa bằng thép). Tổng công suất của hệ thống kho chứa lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL đạt khoảng 6 triệu tấn nhưng đa số dùng để trữ gạo, kho chứa lúa chiếm tỷ lệ thấp (chỉ có hơn 1 triệu tấn).
Hệ thống kho chứa đã giảm được một phần tổn thất sau thu hoạch và giúp các doanh nghiệp lương thực thuận lợi hơn trong chế biến, kinh doanh và xuất khẩu gạo, nhưng các hệ thống kho chứa này chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để bảo quản lúa dài ngày từ 6 đến 12 tháng, nhằm phục vụ chiến lược xuất khẩu gạo và an ninh lương thực của đất nước.
Một số ít doanh nghiệp đầu tư hệ thống silo gắn với hệ thống sấy hiện đại để bảo quản lúa dài ngày, đảm bảo chất lượng.
b) Lĩnh vực chăn nuôi:
– Cơ giới hóa chuồng trại: Hộ nuôi gà qui mô công nghiệp sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp nước, thức ăn tự động, tạo tiểu khí hậu và thu gom trứng đạt 33%. Hộ nuôi lợn qui mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động đạt khoảng 35%.
– Sản xuất thức ăn: Đối với sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2014 chiếm khoảng 67%, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ và thiết bị tiên tiến, đồng bộ. Hiện có 241 cơ sở, nhà máy, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tổng công suất thiết kế 18 triệu tấn (tăng 4,2 lần so với năm 2000; 1,4 lần so với năm 2006). Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 14 triệu tấn.
– Đối với chăn nuôi nông hộ chăn nuôi trâu, bò đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm, cây đạt 45%. Hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa đạt khoảng 60%.
– Mức độ cơ giới hóa đồng bộ (từ khâu sản xuất, chế biến thức ăn, thu gom và chế biến sữa) và áp dụng công nghệ cao tập trung các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa như TH True Milk, Sữa Mộc Châu.
c) Sản xuất muối:
– Khu vực sản xuất muối theo công nghệ phơi cát: Đây là phương pháp sản xuất cổ truyền ở Việt Nam, có diện tích chiếm 14,4 % diện tích sản xuất muối cả nước, đây là vùng sản xuất thủ công, phân tán theo hộ gia đình, năng suất lao động, chất lượng muối thấp, giá thành sản xuất cao. Khoảng 70 – 80% công trình nội đồng cần phải cải tạo nâng cấp. Việc cấp, tiêu nước hầu như dựa hoàn toàn vào tự lưu. Phương tiện vận chuyển ngoài ruộng muối là xe cút kít bằng gỗ, vì vậy người làm muối phải lao động rất cực nhọc, năng suất lao động thấp.
– Khu vực sản xuất muối theo công nghệ phơi nước phân tán: Diện tích khoảng chiếm 61% diện tích sản xuất muối toàn quốc. Mức độ cơ giới ở khu vực này khá hơn khu vực phơi cát. Có hơn 5.000 máy bơm nước để cung cấp nước và bơm nước ra.
– Khu vực sản xuất muối theo công nghệ phơi nước tập trung: Công nghệ phơi nước tập trung, qui mô công nghiệp, chiếm 25,1% diện tích sản xuất muối cả nước. Do sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ kết tinh phân đoạn nên năng suất lao động, chất lượng muối cao, giá thành sản xuất thấp, khoảng 500 đ/kg nên có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vận chuyển muối bằng máy kéo, máy cày, ô tô vận chuyển, băng tải đánh đống muối.
d) Trong lâm nghiệp:
Cơ giới hoá tập trung chủ yếu cho khâu chặt hạ (95%) và vận chuyển (80%), khâu trồng, chăm sóc, phòng cháy chữa rừng chủ yếu thủ công, khoảng 70% các khâu trong sản xuất cây giống như làm đất, tạo bầu được tiến hành bằng máy; một số mô hình ứng dụng hiệu quả việc canh tác trên đất dốc để làm đất, đào hố trồng rừng nguyên liệu.
đ. Trong khai thác, nuôi trồng thuỷ sản:
Tổng số tàu cá của Việt Nam đến nay có 117.998 chiếc, với tổng công suất 6,45 triệu mã lực; Trong đó: Nhóm tàu hoạt động vùng ven bờ, vùng lộng (20- <90HP): 90.713 chiếc, chiếm 76,8%; Nhóm tàu cá hoạt động xa bờ (công suất ≥ 90 HP): 27.285 chiếc, chiếm 23,12 %; tàu dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển 2.073 chiếc.
Trong nuôi trồng thủy sản: Kỹ thuật nuôi đơn giản, mô hình nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, hiện tại 28 tỉnh, thành phố đã hình thành 4.522 trang trại, chiếm 22,57% tổng số trang trại trong cả nước, sử dụng 151.261 máy sục khí oxy và thiết bị nuôi trồng thủy sản.
2.Về áp dụng tiến bộ, khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp:
Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ một số đề tài có giá trị thực tiễn, áp dụng hiệu quả trong sản xuất, như: nghiên cứu thiết kế, chế tạo dây chuyền chế biến hạt giống; máy cấy nhỏ; các loại máy liên hợp gieo, thu hoạch lạc; máy canh tác mía, máy thu hoạch mía; các loại máy sấy ngô, lúa; hệ thống thiết bị giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thức ăn chăn nuôi vv…; một số đề tài đã chuyển thành các dự án sản xuất thử nghiệm đạt kết quả tốt.
Nông dân và thợ cơ khí nông thôn ở nhiều vùng đã sáng tạo, tự chế thành công nhiều máy móc phục vụ yêu cầu của sản xuất, như: các loại máy gặt lúa rải hàng, gặt đập liên hợp; máy bơm nước; máy đào mương, máy thái củ, quả máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô…
Từ năm 2007 đến nay, Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam đã tập hợp được gần 150 sáng kiến, cải tiến có giá trị. Nhiều sáng kiến đã được ứng dụng rộng rãi đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế – xã hội.
Từ năm 2011-2015 thông qua Chương trình khuyến nông, các mô hình về cơ giới hoá nông nghiệp (khuyến công) đã xây dựng được:
– 147 mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa, tăng năng suất lao động 10 – 30 lần; giảm 20 – 25% chi phí sản xuất; tập huấn cho 1.470 lượt nông dân/năm, hướng dẫn nông dân về quy trình vận hành, sử dụng máy móc thiết bị đảm bảo an toàn lao động và hiệu quả, kỹ thuật sửa chữa và bảo dưỡng máy. Tổ chức cho trên 3.900 lượt nông dân tham quan học tập/năm.
– 51 mô hình sản xuất nguyên liệu chè búp tươi áp dụng cơ giới tổng hợp tại 17 tỉnh trồng chè. Đã hỗ trợ 612 máy đốn, hái chè, phun thuốc cho 765 hộ, 2550 lượt người được tập huấn. Các mô hình cơ giới hóa chè đã nâng cao hiệu quả sản xuất 49,2%;
– Hàng nghìn công cụ sạ lúa theo hàng ở Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc, các mô hình cơ giới hoá sản xuất lúa, mía, chè, vận chuyển bằng máy kéo nhỏ đa năng, gieo hạt, gặt lúa rải hàng, gặt đập lúa liên hợp, thu hoạch mía rải hàng, bốc xếp mía đã phát huy hiệu quả góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
3. Về công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp
– Về máy động lực, máy kéo: Đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ diesel công suất đến 30 mã lực (HP); năng lực 40.000 chiếc/năm, chiếm khoảng 30% thị phần trong nước (Chủ yếu do Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam -VEAM – Bộ Công Thương).
– Về máy liên hợp gặt lúa: Trong nước có 15 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp: Tư Sang 2 ở Tiền Giang; Cơ sở Phan Tấn ở Đồng Tháp, CK An Giang có công suất đáp ứng khoảng 1.000 chiếc/năm.
– Về máy tuốt lúa: Ở phía Bắc tập trung chủ yếu ở 3 cơ sở sản xuất máy tuốt lúa liên hoàn (Xuân Trường – Nam Định) có khả năng chế tạo 6.000 chiếc/năm.
– Máy xay xát lúa gạo: Trên 90% do các doanh nghiệp trong nước chế tạo. Điển hình các công ty: Bùi Văn Ngọ, SINCO, LAMICO…đạt trình độ công nghệ tiên tiến, các dây chuyền xát lúa gạo, đánh bóng năng suất: 4 ÷ 48 tấn/giờ, các loại máy sấy năng suất: 30 – 200 tấn/mẻ. Sản phẩm của các doanh nghiệp này đã xuất khẩu Đông Nam Á, Châu Mỹ, Châu Phi…:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam, công suất thiết kế 15.000 máy kéo/năm và 2.000 máy gặt đập liên hợp/năm, chuyên lắp ráp máy kéo (24-45 mã lực), máy phay; máy gặt lúa liên hợp (1,5-2 m); máy cấy 4-6 hàng; máy thu hoạch ngô.
4. Về đào tạo nguồn nhân lực cơ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp:
Theo số liệu thống kê 2011, có 6,9 triệu lao động đang làm việc công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm chiếm 14% lực lượng lao động). Thực tế, giai đoạn 2011-2013, mỗi năm cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 200.000 lao động nông thôn.
Năm 2014, các trường đào tạo nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cho 43,630 người (lĩnh vực cơ điện nông nghiệp, xây dựng, thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản) trong đó đào tạo sơ cấp nghề dưới 3 tháng chiếm 54%, trung cấp nghề chiếm 34% và cao đẳng nghề 12%.
5. Công tác quản lý Nhà nước về cơ điện nông nghiệp:
Hệ thống quản lý về cơ điện nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương chưa được quan tâm đầy đủ; năng lực cán bộ từ Trung ương đến cơ sở vừa thiếu vừa yếu. Hiện nay việc theo dõi, báo cáo tình hình sử dụng máy, thiết bị trong nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW giao cho Chi cục Phát triển nông thôn hoặc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tuy nhiên đa phần làm kiêm nhiệm và không có chuyên môn về cơ điện.
Việc xây dựng, rà soát bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về máy nông nghiệp để phù hợp với hội nhập tiến hành chậm, thiếu các rào cản kỹ thuật để ngăn chặn việc nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị kém chất lượng, còn nặng về các biện pháp hành chính.
Công tác giám định chất lượng máy nông nghiệp chưa có các quy định cụ thể, mang tính luật hóa. Chưa có cơ quan nào quản lý về chất lượng máy nông nghiệp.
6. Về thực hiện các chính sách hỗ trợ cơ khí nông nghiệp
a) Đối với chế tạo máy động lực và máy nông nghiệp:
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002 về phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020. Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009-2015. Có thể thấy, các chính sách ưu tiên phát triển ngành cơ khí Việt Nam nói chung và cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp nói riêng là hết sức ưu đãi. Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, khả năng đáp ứng của ngành cơ khí mới đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là 40-50% vào năm 2010);
b) Đối với người sử dụng:
Theo số liệu tổng hợp báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến 31/3/2015 (bao gồm cả số liệu cho vay theo QĐ 63,65 và 68):
Doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình: 2.903 tỷ đồng; dư nợ 2.097,5 tỷ đồng, tăng 13,5% so với 31/12/2014, trong đó: (i) Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 1.737,8 tỷ đồng, tăng 17,33% so với 31/12/2014; (ii) Dư nợ cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư đạt 359,7 tỷ đồng, giảm 1,99% so với 31/12/2014;
– Số lượt khách hàng vay vốn theo chính sách này: 11.795 lượt; số lượng khách hàng hiện còn dư nợ: 9.124 khách hàng.
Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp và nhận được sự đồng tình cao của bà con nông dân cả nước, cụ thể:
– Đã tạo bước tăng trưởng nhanh về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực canh tác và thu hoạch lúa, hiệu quả đạt được cao hơn hẳn so với lao động thủ công, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, máy gặt đập liên hợp đạt 76% diện tích lúa toàn vùng; nhiều tỉnh có mức độ cơ giới hóa khâu gặt cao như: Long An, An Giang đạt 98%; Vĩnh Long 97%, kiên giang 95%, tổn thất khâu gặt giảm từ 5 – 6% trước đây xuống còn 2% (do không phải thu gom, vận chuyển, tuốt đập riêng rẽ).
– Nhờ có Chính sách hỗ trợ và một số cơ chế chính sách của địa phương ban hành (chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm .. xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy, thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, nâng cấp công nghệ thiết bị.
– Chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị. Điển hình như các cơ sở Phan Tấn (Đồng Tháp), Tư Sang 2 (Tiền Giang), Hoàng Thắng (Cần Thơ) đã đầu tư cơ sở chế tạo máy gặt đập liên hợp..
Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, nhiều địa phương cũng có chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân mua máy như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp …
II. Các ngành hàng, nhóm sản phẩm có lợi thế trong tái cơ cấu:
1. Cây lúa
Đối với lúa cơ giới hóa khâu chế biến giống, làm đất, thu hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng cơ bản đã được cơ giới hóa.
Cơ giới hóa khâu cấy, chăm sóc còn thấp, trang bị động lực khâu làm đất chủ yếu máy công suất nhỏ; giảm tổn thất sau thu hoạch còn cao, để giảm tổn thất sau thu hoạch hiện nay từ 11-13% xuống 5-6% bằng các biện pháp cơ giới hóa thu hoạch, đầu tư máy sấy, kho chứa thóc.
2. Rau, quả
Sản xuất rau quả nhìn chung ở quy mô nhỏ lẻ, diện tích được áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap,..) và theo hướng an toàn còn thấp, chỉ khoảng 5% tổng diện tích trồng trọt.
Tổn thất sau thu hoạch cao, việc thu hái, phân loại, đóng gói rau quả chưa được chú trọng, thiếu công nghệ, thiết bị bảo quản, cước phí vận chuyển cao, đặc biệt khi xuất khẩu rau quả tươi bằng đường hàng không.
Việc áp dụng cơ giới hóa có hiệu quả khi sản xuất rau, quả công nghệ cao, quy mô lớn có lợi thế xuất khẩu như: thanh long, xoài, chôm chôm, vải…đáp ứng yêu cầu về VSATTP.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý cận thu hoạch bằng các chất điều hòa sinh trưởng, kéo dài thời gian thu hoạch; cải tiến phương tiện, dụng cụ thu hái đảm bảo chất lượng nguyên liệu trước thu hoạch.
Thực hiện bảo quản rau quả tươi tại chỗ theo hướng bọc màng bán thấm (coating); ứng dụng công nghệ chiếu xạ, tiệt trùng bằng nước nóng đối với một số loại rau quả tươi xuất khẩu. Đầu tư phát triển hệ thống sơ chế rau quả (Packing House) tại các chợ đầu mối, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch.
3. Thủy sản:
Công nghệ, kỹ thuật nuôi còn rất đơn giản theo kinh nghiệm dân gian là chính dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng nhất. Các mô hình nuôi nhỏ lẻ còn nhiều. Để nâng cao năng suất, chất lượng trong nuôi trồng thủy sản cần tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực ven biển Trung Bộ.
Nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau thu hoạch trong khai thác thủy sản để giảm tỷ lệ thất thoát và xuất khẩu thủy sản sống có giá trị cao .
4. Chăn nuôi
Hiện nay, cơ giới hóa trong khâu cho ăn, cho uống, vệ sinh chuồng trại, chế biến thức ăn tập trung chủ yếu lợn và gia cầm, trong đó loại hình doanh nghiệp chiếm 66%, hợp tác xã, tổ hợp tác chiếm 55% , trang trại 44% và hộ gia đình 2,4%. Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 65-70% về đầu con và 55-65% về sản phẩm.
Để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững việc áp dụng máy, thiết bị nhất là hệ thống máy, thiết bị tự động sẽ thúc đẩy chăn nuôi nông hộ theo hướng chăn nuôi công nghiệp có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học , giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả.
III. NHỮNG YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN
1.Những yếu kém:
a) Trình độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, thấp và phát triển chưa toàn diện
Mặc dầu nhiều khâu có tỷ lệ cơ giới hóa cao, song trình độ trang bị còn rất lạc hậu, thể hiện hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún; cơ giới hóa mới tập trung chủ yếu cây lúa,
Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và châu Á, hiện mới đạt bình quân 1,6HP/ha canh tác, trong khi các nước trong khu vực như: Thái Lan đạt 4HP/ha, Trung Quốc 8HP/ha, Hàn Quốc 10HP/ha.
b) Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về cơ khí nông nghiệp còn nhiều bất cập, chậm chuyển giao vào sản xuất
Năng lực nghiên cứu ứng dụng các máy phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều yếu kém, bất cập. Nhiều đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước và cấp Bộ thuộc lĩnh vực cơ điện nông nghiệp được triển khai, song không ít đề tài chưa gắn với nhu cầu của thực tế, thiếu tính sáng tạo, chưa phù hợp nên không được sản xuất chấp nhận.
Cơ chế nghiên cứu và chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, quá trình từ nghiệm thu đề tài chuyển sang dự án sản xuất thử nghiệm thường kéo dài nên không đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất. Điển hình như các mẫu máy gặt đập liên hợp lúa, máy thu hoạch muối và không ít đề tài khác. Trên thực tế, rất ít sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu xuất xứ từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp.
Một số sáng chế, sáng kiến, cải tiến máy móc của nông dân được đánh giá cao, song chỉ sản xuất được ở quy mô nhỏ lẻ, đơn chiếc, chắp vá và thiếu tính tiêu chuẩn, nên giá thành cao, hoạt động không ổn định và không thể trở thành sản phẩm hàng hóa.
c) Ngành cơ khí chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp
Ngành cơ khí trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Mới chỉ đáp ứng được 32,6% thị trường song chất lượng các máy còn thiếu ổn định và hầu hết là máy có công suất nhỏ.
Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, lắp ráp máy động lực và máy nông nghiệp rất ít, mới chỉ có Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhà nước chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp hầu hết quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu chuyên môn hoá, thiếu hợp tác liên kết tổ chức sản xuất.
Các dự án về máy nông nghiệp thuộc Chương trình cơ khí trọng điểm nhà nước chậm được triển khai (như chế tạo động cơ điezen công suất lớn, các dây chuyền chế biến nông sản…).
Các cơ chế, chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ nhưng tính thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế. Đối với chương trình cơ khí trọng điểm các dự án được hỗ trợ theo Quyết định 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế tạo động lực, máy nông nghiệp hầu như không được triển khai.
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 12/2011/QĐ-TTg cho các dự án sản xuất công nghệ hỗ trợ cơ khí phần lớn có quy mô vừa và nhỏ khó tiếp cận với các cơ chế ưu đãi này.
Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp khả năng tiếp cận vốn vay của người dân còn hạn chế do người dân không có tài sản thế chấp.
Cơ chế hỗ trợ tín đụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp không hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí.
d) Kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng cơ giới hóa nông nghiệp
Quy mô đồng ruộng ở nước ta nhìn chung vẫn phân tán, manh mún. Hộ có diện tích lúa dưới 0,5 ha chiếm 85%; từ 0,5 đến dưới 1 ha chiếm 8,5%; từ 1-dưới 2 ha chiếm 4,4% và trên 2 ha chiếm 2,1%, bình quân mỗi hộ có sử dụng đất lúa 0,44 ha đất (số liệu điều tra nông lâm thủy sản năm 2011). Điều này đã hạn chế việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nội đồng (cứng hoá các mương thuỷ lợi, đường cho di chuyển máy móc…) cũng như việc áp dụng cơ giới hoá có hiệu quả.
Chất lượng các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp còn thấp, thiếu đồng bộ, chưa tương xứng nhu cầu phát triển của các vùng, miền. Nhiều hệ thống thuỷ lợi xuống cấp, không đồng bộ nên hiệu quả thấp, tình trạng thẩm thấu lãng phí nước còn khá phổ biến.
Đường giao thông liên vùng, liên xã, đường trong các vùng sản xuất xuống cấp, không đảm bảo kỹ thuật; kho bảo quản, chợ thương mại vừa thiếu lại xuống cấp.
đ) Chất lượng lao động nông thôn thấp, nhiều lao động vận hành, sử dụng máy nông nghiệp không qua đào tạo
Đối với lao động sử dụng máy trong nông nghiệp qua đào tạo còn thấp, nhiều lao động lái máy nông nghiệp không qua đào tạo.
Trước đây cả nước có 5 trường Đại học đào tạo trình độ đại học và sau đại học ngành cơ khí nông nghiệp, thì hiện nay chỉ còn hai khoa Cơ khí thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh. Số thí sinh thi vào ngành CKNN rất ít, việc tuyển sinh không đạt được các chỉ tiêu tuyển sinh, cá biệt năm 2011 không có thí sinh nào đăng ký học ngành CKNN.
Phần lớn người vận hành máy nông nghiệp (kể cả lái xe vận tải nông thôn), không qua đào tạo, không có chứng chỉ, bằng cấp.
e) Công tác quản lý Nhà nước về giám định chất lượng máy động lực, máy nông nghiệp còn lúng túng, hạn chế
Việc xây dựng, rà soát bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về máy nông nghiệp để phù hợp với hội nhập còn chậm, thiếu các rào cản kỹ thuật để ngăn chặn, quản lý nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp còn hạn chế;
Công tác giám định chất lượng máy nông nghiệp chưa có các quy định cụ thể, mang tính luật hóa;
2. Nguyên nhân:
– Công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất chưa đầy đủ, chưa đảm bảo cho nhu cầu phát triển, cơ giới hoá, hiện đại hoá (qui mô đồng ruộng, giao thông nội đồng);
– Sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, qui mô đồng ruộng manh mún, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém, chưa tạo điều kiện ứng dụng máy móc trong sản xuất;
– Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp (số liệu điều tra 2011, vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn 16,8 triệu đồng) bấp bênh, khả năng tích luỹ để đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn;
– Trình độ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp của nước ta chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất;
– Quản lý Nhà nước về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ; năng lực cán bộ từ Trung ương đến cơ sở vừa thiếu vừa yếu.
Phần II
CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hoá làm thay đổi tập quán canh tác phân tán, thủ công sang sản xuất bằng máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Đến năm 2020, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ.
2. Các chỉ tiêu đến năm 2020
Công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 3-3,5 HP/ha vào năm 2020. Mức độ cơ giới hoá các khâu như sau:
Khâu sản xuất | Đơn vị tính | Năm | |
2014 | 2020 | ||
1. Trồng trọt (cây hàng năm) | |||
Làm đất | % | 92 | 95 |
Gieo trồng, cấy | % | 30 | 75 |
Chăm sóc | % | 60 | 80 |
Tưới chủ động | % | 90 | 95 |
Thu hoạch (chủ yếu lúa) | % | 42 | 80 |
Sấy hạt | % | 40 | 80 |
2. Chăn nuôi | |||
– Chuồng trại | % | 35 | 70 |
– Chế biến thức ăn | % | 40 | 80 |
– Vắt sữa | % | 45 | 80 |
3. Sản xuất muối | |||
– SX nước chạt – Thu gom, vận chuyển | % | 5060 | 8580 |
II. CÁC GIẢI PHÁP
1. Triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và thị trường
1.1. Xác định lợi thế của từng vùng, lựa chọn loại hình máy móc, thiết bị phù hợp với cây, con cụ thể;
1.2. Dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung hóa đất đai xây dựng cánh đồng lớn;
1.3. Nâng cấp kết cấu hạ tầng phù hợp với việc đưa máy móc canh tác vào phục vụ sản xuất: Đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Qui hoạch, cải tạo, san phẳng đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu; giao thông nội đồng và giao thông nông thôn.
2. Khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp
2.1. Căn cứ yêu cầu của sản xuất, xây dựng kế hoạch, lộ trình cung ứng số lượng, chủng loại máy phù hợp, từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa sản xuất theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.
2.2. Hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa.
2.3. Tuyên truyền đến từng người dân các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Triển khai các chính sách từ thực tế và rà soát, kịp thời bổ sung, sửa đổi chính sách phù hợp.
3. Đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp
3.1. Triển khai thực hiện các Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó tập trung phát triển các nhóm máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp.
3.2. Khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ thông qua phương thức đặt hàng giao trực tiếp theo Quyết định số 846/QĐ-TTg, ngày 2/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
3.3. Thực hiện Kế hoạch số 3073/QĐ-BNN-CB ngày 09/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về kế hoạch thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
3.4.Thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch, như: chế tạo máy gặt đập thu hoạch lúa, mía; chế tạo động cơ diezen công suất lớn (trên 100 HP) và các loại máy kéo; các loại máy sấy hiện đại, đảm bảo yêu cầu bảo quản lúa gạo nói riêng và các loại nông sản hàng hoá khác nói chung.
3.5. Có chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp cho các dự án cơ khí quy mô vừa và nhỏ.
4. Rà soát, bổ sung chính sách
4.1. Về khoa học công nghệ:
– Thực hiện xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có sáng chế được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
– Hỗ trợ 100% vốn mua bản quyền chế tạo máy nông nghiệp, máy động lực nhất là các loại động cơ có công suất lớn (trên 50 mã lực).
– Thực hiện nghiên cứu với chế tạo chuyển giao máy móc, thiết bị ở các doanh nghiệp theo cơ chế đặt hàng.
– Xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu – đào tạo – sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, khuyến khích hình thành các cơ sở nghiên cứu tư nhân và các viện gắn với doanh nghiệp.
– Xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp, trước tiên là với thâm canh lúa, mía ở những vùng sản xuất tập trung, hàng hoá.
– Tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về cơ điện nông nghiệp thông qua các mô hình khuyến công nông nghiệp.
4.2. Đào tạo nguồn nhân lực:
– Đến năm 2020: đào tạo về cơ khí nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch khoảng 50.000 lao động mỗi năm, thu hút lực lượng lao động trẻ làm nòng cốt ở từng địa phương.
– Chú trọng đào tạo nghề cơ khí, vận hành máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân, nhất là hình thức tập huấn ngắn hạn, tại chỗ thông qua công tác khuyến công, hội thao trình diễn.
– Hỗ trợ trực tiếp cho người học về sử dụng máy móc, thiết bị trong nông nghiệp như học nghề, (cấp thẻ học nghề). Đối với con em hộ nghèo, hộ chính sách, dân tộc thiểu số được trợ cấp thêm học bổng và hỗ trợ các điều kiện khác để theo học.
– Thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề cho nông dân, hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.
4.3. Đất đai:
– Tiếp tục đẩy mạnh công tác “dồn điền đổi thửa”, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi cho việc áp dụng máy móc có hiệu quả.
– Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất để tham gia doanh nghiệp, vào các dự án đầu tư kinh doanh.
4.4. Đầu tư, thu hút FDI:
– Coi đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp như đầu tư vào hạ tầng sản xuất có chính sách ưu đãi thỏa đáng (đất đai, tín dụng).
– Phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp FDI có thương hiệu mạnh, khuyến khích liên doanh, liên kết, sản xuất sản phẩm phụ trợ, phụ tùng thay thế để chế tạo máy móc thiết bị, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước và xuất khẩu.
– Về đầu tư dài hạn các dự án chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ được áp dụng lãi suất đặc biệt ưu đãi, ở mức 3%/năm. Thời gian vay vốn tối thiểu 10 năm, ân hạn từ 3 đến 5 năm.
– Triển khai có kết quả Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
4.5. Tài chính, tín dụng:
– Rà roát kiến nghị Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước chưa sản xuất được. Cụ thể là: máy gieo hạt, máy trồng cây và máy cấy; máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm củ hoặc rễ (mã hàng 8432, 8433) hiện đang có thuế suất nhập khẩu 5%, giảm xuống 0%.
– Nghiên cứu, bổ sung cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và các hình thức kinh tế hợp tác mua máy nông nghiệp chế tạo trong nước (hỗ trợ 30-50% giá trị máy). Ngân sách nhà nước sẽ cấp bù phần chênh lệch cho các các doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp.
– Bố trí gói tín dụng ổn định hàng năm để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư máy nông nghiệp phục vụ sản xuất theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
5. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước
5.1. Đối với Trung ương:
– Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp về lâu dài cần có chiến lược để phát triển cơ khí nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch một cách căn cơ, toàn diện, nhất là các cơ chế chính sách thúc đẩy chế tạo máy móc trong nước, thay thế nhập khẩu.
– Đổi mới quản lý, nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước đối với cơ điện nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương (sắp sếp, phân công rõ ràng về quản lý nhà nước đối với cơ điện nông nghiệp, bố trí cán bộ chuyên trách thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giúp Sở chỉ đạo về lĩnh vực này).
– Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các loại máy nông nghiệp; ban hành các quy định về quản lý, giám định máy nông nghiệp (cả máy mới và máy cũ nhập khẩu) để hạn chế những rủi ro, thiệt hại cho nông dân.
– Tổ chức thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị về cơ điện nông nghiệp và bảo quản sau thu họach.
5.2. Đối với địa phương
– Rà soát qui hoạch, chỉ đạo sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất – bảo quản – chế biến – vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
– Hình thành các hộ, các tổ hợp tác, các doanh nghiệp nông nghiệp chuyên về dịch vụ cơ khí nông nghiệp, bao gồm các dịch vụ: làm đất, thu hoạch, sấy, bảo quản nông sản hàng hoá, sửa chữa, cung cấp thiết bị, phụ tùng vật tư, tư vấn mua máy…
– Khuyến khích, hỗ trợ quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, cơ sở hạ tầng (cầu, đường, kênh mương).
– Khuyến khích, hỗ trợ với mức cao nhất cho các thành phần kinh tế tham gia chế tạo, kinh doanh, dịch vụ về máy móc, thiết bị, công nghệ cho phát triển cơ khí nông nghiệp./.
Nguồn: Báo cáo đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp
của Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối ngày 12/6/2015