Cập nhật: ngày 21/8/2014
Các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra hệ thống nhân tạo bắt chước hình thức ngụy trang của bạch tuộc và mực ống, bằng cách thay đổi màu sắc giống môi trường xung quanh.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Houston và Đại học Illinois, Mỹ đã phát triển các tấm cảm biến ánh sáng mềm dẻo, thay đổi màu sắc tự động, nhạy cảm với nhiệt độ và thích ứng với màu sắc môi trường xung quanh. Công nghệ này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như công nghiệp và quân sự.
Các thiết bị này có khả năng tạo ra màu đen và màu trắng tự nhiên, phù hợp với môi trường xung quanh mà không cần người sử dụng đụng vào, nhóm nghiên cứu cho hay.
Nghiên cứu lấy cảm hứng từ một số loài động vật thân mềm như bạch tuộc có thể cảm nhận và biến đổi màu sắc. Tấm chứa bộ phận cảm biến ánh sáng tự như tế bào sắc tố và cơ quan chứa sắc tố trên cơ thể động vật, thay đổi màu sắc trên một bề mặt phản chiếu ánh sáng màu trắng, bộ phận có chức năng chuyển đổi màu sắc cảm nhận được nhiệt độ trên 47 độ C. Thời gian thay đổi màu sắc vật liệu cho phù hợp với môi trường xung quanh từ một đến hai giây.
Hệ thống như thế này có thể ứng dụng vào công nghệ ngụy trang, tự động điều chỉnh màu sắc phù hợp với môi trường, tích hợp vào thiết bị điện tử cho một loạt các ứng dụng trong quân sự hay sử dụng cho mục đích công nghiệp.