Cập nhật: ngày 23/11/2014
Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MECO), tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập tháng 3/1956 với tên gọi là Xưởng máy 250A, hoạt động ban đầu là trung, đại tu ôtô, máy kéo phục vụ ngành cơ khí nông nghiệp, nhằm góp phần đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp, đưa nền kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng cơ giới hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Ngày 09 tháng 12 năm 2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định chuyển Công ty – doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với số vốn điều lệ là 12 tỷ đồng,
Sau khi được cổ phần hoá, MECO đã có những bước tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt và phát triển theo hướng đa ngành, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Xây lắp, Thương mại, Sản xuất Công nghiệp, đầu tư kinh doanh bất động sản và điện năng.
Khởi nguồn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, nhưng đến năm 2004, MECO đã có bước chuyển mình mang tính đột phá, đó là mở rộng hoạt động sản xuất sang lĩnh vực xây lắp và đến nay MECO đã tạo dựng được thương hiệu vững chắc trong hoạt động thi công xây lắp. Đặc biệt, MECO còn là một trong những Công ty đầu tiên áp dụng công nghệ thi công bê tông đầm lăn vào các công trình thủy điện như: Thủy điện Pleikrong; Thủy điện Bình Điền; Thủy điện Hương Điền. Với dây chuyền thiết bị hiện đại, đồng bộ, cán bộ công nhân có tay nghề kỹ thuật cao MECO đã và đang hoàn thành thi công, cung cấp vật liệu tại các công trình: đập phụ 1 và 2 Nhà máy thủy điện Đărktih; Hồ chứa nước Cửa Đạt; Thủy điện SêSan 4; Nho Quế 3, Sông Tranh 2; Hồ chứa nước Iamor; Hồ chứa nước Bản Mòng.
Tiếp tục kế thừa và phát huy thế mạnh truyền thống gần 60 năm sản xuất và chế tạo, sửa chữa về cơ khí; ngoài các sản phẩm công nghiệp truyền thống phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ chế biến nông lâm sản và công nghiệp như mía đường, hàng không, dệt may như máy xát cà phê tươi, bơm trừ sâu, băng tải công nghiệp, xe vận chuyển hàng hóa sân bay… MECO đã gia công chế tạo và thi công lắp đặt: tuyến ống áp lực tại công trình Thủy điện Nho Quế 3 với đường kính ống lớn 5m và cột giếng đứng sâu hơn 100m; Cửa van cung có kích thước (12×15)m và tuyến ống áp lực có đường kính 5m, giếng đứng sâu đến 120m tại Công trình thủy điện Văn Chấn: chế tạo lắp đặt hệ thống cơ khí đường nước sạch Sông Đà.
Với tầm nhìn dài hạn và quan điểm phát triển “bền vững”, Ban lãnh đạo MECO đã quyết định tập trung đầu tư vào hai lĩnh vực điện năng và bất động sản. Các dự án thủy điện MECO đã và đang đầu tư là dự án Thủy điện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, dự án Thủy điện Khánh Khê, tỉnh Lạng Sơn, dự án Thủy điện Nậm Hóa 1 và 2, tỉnh Sơn La, dự án Thủy điện Suối Choang, tỉnh Nghệ An.
Các Dự án bất động sản Công ty đã và đang thực hiện gồm: dự án MECO COMPLEX; dự án Khu đô thị Long Hưng, tỉnh Hưng Yên; dự án Dương Nội – Hà Đông; dự án Đồng Phát – Vĩnh Hưng – Hoàng Mai – Hà Nội.
Để thực hiện chiến lược đầu tư vào 2 lĩnh vực điện năng và bất động sản, Ban lãnh đạo MECO đã phải nỗ lực để vượt qua nhiều thử thách nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, sự tắc nghẽn dòng vốn từ ngân hàng tới các doanh nghiệp và đặc biệt là sự đóng băng trong lĩnh vực bất động sản.
Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng MECO vẫn đứng vững và khẳng định thương hiệu trên 2 lĩnh vực mới: điện năng và bất động sản.
Dự án MECO COMPLEX với tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ là một trong số các dự án Bất động sản đã hoàn thành và đưa vào khai thác gồm: khu nhà vườn và 01 tòa văn phòng cao 15 tầng; 2 tòa chung cư HH1 cao 21 tầng và HH2 19 tầng.
Dự án thủy điện Văn Chấn với tổng mức đầu tư 1.970 tỷ đồng, công suất 57MW gồm 3 tổ máy, sản lượng điện lượng trung bình năm 246,5 triệu KW giờ/năm, doanh thu hàng năm khoảng 250 tỷ đồng, nộp ngân sách hàng năm đạt 30 tỷ đồng;
Dự án Thủy Điện Nậm Hóa 2 với công suất 8,0 MW sản lượng điện lượng trung bình năm 30 triệu KW giờ/năm dự kiến hoàn thành và phát điện thương mại trong quý 4/2014.
Dự án thủy điện Nậm Hóa 1 với công suất 18MW, sản lượng điện lượng trung bình năm 64 triệu KW giờ/năm sẽ hoàn thành trong năm 2015.
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách đến nay MECO đã từng bước ổn định phát triển. Hiện nay, MECO đã trở thành một doanh nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh, với số vốn điều lệ 575,1 tỷ đồng, doanh thu hàng năm trên 1.500 tỷ đồng.
Với thành tích trong sản xuất kinh doanh, MECO đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; Cờ thi đua của Chính phủ và Cờ thi đua của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Để có được thành quả hôm nay Ban lãnh đạo MECO đã thực hiện “Quản trị theo mục tiêu” với phương châm hoạt động “ Luôn luôn lắng nghe để luôn luôn phát triển” theo tôn chỉ ” HIỆU QUẢ – CHẤT LƯỢNG – BỀN VỮNG ” cho mọi hoạt động kinh doanh của mình.
Sau mười năm thực hiện cổ phần hóa, Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MECO) là một minh chứng khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Hoàng Kim Anh
Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam