Những biện pháp an toàn khi sử dụng máy kéo
1. Yêu cầu chung
Khi điều khiển máy kéo người vận hành chú ý:
– Bố trí đường đi của máy kéo cách xa người đi bộ để giảm nguy cơ rủi ro;
– Sử dụng gương thích hợp để nhìn được các góc khó quan sát và các thiết bị khác như thang tốc độ để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn.
– Phải được đào tạo sử dụng máy kéo, đặc biệt là khi mới vào nghề;
– Khi thay đổi từ loại máy kéo này sang loại máy kéo khác, người vận hành phải hiểu các cơ cấu điều khiển và biết sử dụng chúng trong quá trình máy kéo di chuyển.
– Sau khi thay đổi máy kéo, người vận hành phải có thời gian để làm quen với buồng lái và kiểm tra hoạt động của các cơ cấu điều khiển trước khi vận hành chính thức và chú ý phanh tay trước khi vượt dốc.
2. Các biện pháp an toàn sử dụng máy kéo
2.1. Chuẩn bị làm việc với máy kéo
a) Yêu cầu đối với người điều khiển:
– Phải là người có đủ sức khỏe, đã qua lớp huấn luyện, đào tạo về sử dụng cũng như kiến thức về an toàn lao động và phải có bằng chứng nhận lái máy kéo.
– Quần áo, giầy và mũ bảo hộ của người lái máy phải sạch, kích thước phù hợp với tầm vóc người. Quần áo, giầy mũ bảo hộ phải đảm bảo cho thân nhiệt phù hợp với nhiệt độ môi trường, không ảnh hưởng đến sự hô hấp và các thao tác khi lái máy kéo.
– Nếu phụ nữ lái máy kéo thì phải cho tóc vào trong mũ công tác, khăn quấn phải gọn. Tiện nhất là dùng bộ áo liền quần. Giầy phải vừa chân, đế cứng và nhám, gót không cao, không rộng; ngược lại, nếu giầy đế mềm thì bắp cơ chân chóng mỏi.
Tuyệt đối không được dùng dép khi lái máy, vì dép không bó sát chân, nên khi sử dụng bàn đạp điều khiển dễ bị sai sót.
– Tình trạng sức khỏe và khả năng làm việc của người sử dụng máy kéo có ảnh hưởng lớn đến kết quả lao động và an toàn lao động. Nếu sức khỏe và khả năng làm việc tốt thì mức độ xử lí các tình huống sẽ nhanh, chính xác, làm việc an toàn.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng thể lực và khả năng làm việc của người sử dụng máy kéo như: ít ngủ, dùng rượu mạnh hoặc uống thuốc…Đặc biệt nguy hiểm là trước và trong thời gian làm việc uống rượu hoặc uống các loại thuốc chữa bệnh có tác dụng gây ngủ.
– Trước khi sử dụng phải đọc kỹ “ Tài liệu hướng dẫn sử dụng máy kéo ” do nhà máy chế tạo quy định.
b) Đối với máy kéo:
1/ Kiểm tra ca bin (đối với máy kéo trang bị ca bin)
– Buồng lái máy kéo: Buồng lái là nơi thợ lái ngồi thao tác ở trên đó nhiều thời gian nhất, bởi vậy buồng lái phải sạch, sáng sủa, kính không có vết nứt vết xước, nếu không người điều khiển sẽ bị mỏi mắt, mất tập trung tư tưởng.
– Phải có đủ thiết bị che ánh nắng, gạt mưa, gương nhìn sau, quạt gió. Buồng lái đặc biệt phải kín, để bụi và khí xả không vào được, sàn buồng lái phải gọn gàng, không có các đồ dùng hoặc vật dụng khác làm ảnh hưởng đến thao tác và dễ gây ra sự cố. Ghế ngồi phải điều chỉnh phù hợp với tầm vóc và trọng lượng của thợ lái máy kéo.
2/ Kiểm tra hệ thống điều khiển
– Vô lăng lái: Khi động cơ làm việc, tay lái phải có khoảng chạy tự do không quá 15°, bộ trợ lái thủy lực phải tốt. Các chi tiết điều khiển lái không hỏng hóc, được cố định chặt và lắp chốt chẻ.
– Kiểm tra, điều chỉnh tay lái (chiều dài, chiều rộng, góc lắp,…) phù hợp với loại công việc mà máy kéo thực hiện;
– Kiểm tra, điều chỉnh cần phân ly – Bộ ly hợp; tay lái theo đúng quy định của nhà chế tạo.
3/ Kiểm tra phanh
– Khi các bàn đạp hoặc tay điểu khiển ở vị trí tự do, các dải phanh không được chạm vào các trống phanh, còn khe hở phải tương ứng với những yêu cầu kỹ thuật của nhà chế tạo.
– Khi kiểm tra hệ thống phanh, phải tin chắc là không có tình trạng kẹt ở trong chuyển động cơ học, không có chi tiết nào bị gãy hoặc có vết nứt và các má phanh không bị kẹt.
– Phanh làm việc tốt phải đạt các yêu cầu sau :
+ Dừng được máy kéo đồng thời khi bắt đầu phanh hãm cả hai bánh xe;
+ Chiều dài đoạn đường phanh trên đường khô bằng phẳng khi máy kéo chạy với tốc độ cực đại không vượt quá 8 – 10m;
+ Giữ được máy kéo ở trên sườn dốc tới 20°;
+ Hành trình toàn bộ và hành trình tự do của hai bàn đạp phanh bằng nhau (tương ứng với số liệu quy định của nhà chế tạo).
– Đối với phanh dừng: Lái máy kéo (tổ hợp máy kéo) đến đoạn đường đất khô ráo có độ dốc dọc 20° đối với máy kéo bánh lốp, và 12° máy kéo có rơmoóc. Sau đó hãy nhả phanh hãm, còn phanh dừng vẫn kéo với lực căng 30 kG khi điều khiển bằng tay. Nếu phanh dừng hoạt động đúng lúc, bánh xe máy kéo (tổ hợp máy kéo) không được tự quay trong khoảng 5 phút.
4/ Kiểm tra hành trình bàn đạp ly hợp
– Khớp ly hợp phải dễ dàng ngắt hoàn toàn giữa động cơ và phần truyền lực, khi cài phải đảm bảo máy kéo lấy đà êm dịu. Nếu khớp ly hợp không đảm bảo được những yêu cầu này thì phải điều chỉnh lại hoặc đưa đi sửa chữa. Khi điều chỉnh bắt buộc phải chú ý tới hành trình tự do và hành trình toàn bộ của bàn đạp ly hợp.
– Khe hở giữa các tay đòn tách và ổ nén phải tương ứng với những số liệu của nhà máy chế tạo. Không được để máy kéo chạy nếu nhận thấy: Ly hợp bị trượt, ly hợp không ngắt được hết, khi cài một số truyền thì máy kéo chuyển động bị giật cục, số cài tự động bật ra.
5/ Kiểm tra bộ phận nâng hạ thủy lực
Máy kéo bánh lốp đều có trang bị hệ thống thủy lực, hệ thống này có chức năng nâng hạ các máy canh tác trong nông nghiệp (cày, bừa, gieo, xới, san đất ruộng…). Kiểm tra hệ thống thủy lực gồm: tình trạng kĩ thuật của bơm thủy lực, ngăn kéo phân phối, hệ thống ống dẫn, các xi lanh lực và dầu thủy lực đủ về số lượng và chất lượng. Khi phát hiện thấy dầu nhờn chảy, các bộ phận làm việc tự hạ xuống, các ống dẫn cao su bị đứt, không được cho máy kéo làm việc.
6/ Kiểm tra bộ phận di động
– Kiểm tra hệ thống di động của máy kéo bánh hơi để phát hiện những vết nứt, vết đứt trên lốp. Những hư hỏng này cần được sửa chữa ngay hoặc phải thay lốp mới.
– Khi máy kéo làm việc, săm lốp phải tốt. không rạn nứt, vành bánh xe và các đai ốc phải bắt chặt. Áp suất không khí trong săm phải đúng quy định của nhà máy chế tạo và đều nhau ở các bánh của mỗi cầu (cầu trước và cầu sau).
7/ Kiểm tra hệ thống điện, đồng hồ báo và đèn chiếu sáng
– Hệ thống điện trên máy kéo gồm: Máy phát điện, máy đề, còi, các loại đèn trước đèn sau, đèn phanh, đèn tín hiệu, dây điện phải làm việc tốt. Tất cả các đèn phải sáng đúng với chức năng, ví dụ: Khi bật đèn tín hiệu xin đường thì đèn phải nhấp nháy màu vàng; nếu bật đèn chiếu xa (đèn pha) thì chùm sáng phải đi xa; khi chuyển sang chiếu gần (đèn cốt) thì chùm sáng phải chiếu gần…
– Các đồng hồ báo nhiệt độ, báo áp suất…làm việc tốt.
2.2. An toàn vận hành sử dụng
2.2.1. An toàn khi khởi động động cơ
Có những trường hợp người vận hành phát động động cơ đã không dùng dây đúng tiêu chuẩn, mà dùng một đoạn dây bất kỳ rồi quấn một đầu vào tay. Nếu trục khuỷu của động cơ khởi động quay ngược lại, dây kéo tay đưa vào bánh đà, gây ra tai nạn, để đề phòng tai nạn:
– Không bao giờ được quấn dây khởi động vào tay;
– Không khởi động động cơ khi chưa khẳng định là các cần số và cần trích công suất đã ở vị trí trung gian hoặc đã ngắt.
2.2.2. An toàn khi di chuyển trên đường
– Phải tuân theo luật giao thông đường bộ. Khi qua ngã ba, ngã tư, đường vòng, đường xe lửa, qua cầu cống, chỗ đông người…phải giảm tốc độ, báo hiệu, nếu cần phải dừng máy xuống quan sát, chú ý không để máy canh tác treo hoặc móc phía sau va quệt vào người và vật trên đường và không được chở người bằng máy kéo.
– Chọn tốc độ làm việc phù hợp với cường độ giao thông, điều kiện đường xá (chiều rộng, tình trạng đường, tầm nhìn, hướng chạy, điều kiện thời tiết, địa hình,…) cũng như đặc điểm hàng hóa để
thực hiện các động tác cần thiết nhằm điều khiển các phương tiện vận chuyển.
– Cấm sử dụng riêng từng phanh (bánh trái và phải) khi chạy tốc độ cao. Để phanh tổ hợp máy kéo đang chạy nhanh, đầu tiên giảm ga sau đó phanh rơmooc, không ngắt ly hợp và hộp số máy kéo, sau đó phanh máy kéo lại.
– Không được ngắt động cơ khỏi bộ truyền động để thả dốc.
– Khi chạy trên đường trơn, cấm ngắt cầu chủ động trước (hoặc sau).
– Không được sử dụng rơmooc (ghép với máy kéo bánh hơi) không có phanh.
– Phải quan sát kỹ khi quay vòng xe, sử dụng gương nếu thấy cần thiết trước khi quay vòng.
– Báo hiệu bằng đèn, hoặc còi trước khi quay vòng, đặc biệt nếu xe có những vùng khó quan sát mà gương không thể nhìn được.
– Khi máy đang di chuyển không nên nhảy lên máy kéo và máy công tác
hoặc nhảy từ máy xuống, không được ngồi trên chắn bùn của máy kéo, trên các thùng đựng hạt, trên các chân máy, không được đi từ máy kéo sang rơ moóc và ngược lại.
2.2.3. An toàn khi làm việc trên đồng
– Khi máy đang làm việc, người điều khiển phải có mặt tại vị trí làm việc, không được rời khỏi máy, cấm không được nhảy lên nhảy xuống hoặc đứng, ngồi ở chỗ không quy định. Máy kéo có ca bin phải đóng kín cửa.
– Không cho phép người ra vào buồng lái hoặc đi lại trên máy nông nghiệp đang móc (hoặc treo) trong khi máy kéo đang làm việc.
– Khi di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác, người lái máy phải quan sát chướng ngại vật trên đường.
– Máy kéo làm việc ban đêm phải có hệ thống đèn chiếu sáng tốt.
– Máy kéo lắp bánh lồng làm việc ở ruộng nước phải lắp cơ cấu chống lật. Trong quá trình làm việc, nếu có hiện tượng máy kéo bị ngóc đầu phải kịp thời giảm ga và cắt ngay ly hợp. Khi vượt bờ hoặc lên xuống ruộng phải cho máy đi cân bằng, thẳng góc với bờ ruộng, độ dốc lên xuống ruộng không quá 15°. Khi độ dốc của lối lên, xuống ruộng lớn hơn 15° phải lên lùi để tránh lập úp máy.
– Máy làm việc trên đồi dốc:
+ Không làm việc trên sườn dốc có độ dốc quá mức quy định;
+ Chỉ khi người vận hành đã nắm vững các biện pháp an toàn và quy phạm làm việc trên sườn dốc đứng mới được làm việc ở địa bàn nói trên;
+ Cấm làm việc trên sườn dốc ẩm ướt ở vì máy kéo có thể bị tuột theo dốc;
+ Trong trường hợp cần thiết phải lắp cơ cấu chống lật, chống trượt ngang, trọng vật cân bằng để máy làm việc được an toàn;
– Khi máy kéo quay vòng không được quay vòng gấp và tốc độ cao. Đặc biệt là máy kéo liên hợp với máy nông nghiệp móc, khi quay vòng gấp rất nguy hiểm, vì những mấu bánh xe có thể chạm vào móc, gây vỡ máy, gây thương tật cho công nhân phục vụ.
– Khi máy kéo làm việc với máy thu hoạch phải đậy lên trên ống xả bộ phận dập lửa để tránh hỏa hoạn.
– Khi quay vòng liên hợp máy và khi nâng công cụ treo sang thế vận chuyển, bắt buộc phải ngắt trục trích công suất.
– Trước khi khởi động động cơ, phải để tay gài số và cần gài trục thu công suất ở vị trí trung gian. Khi khởi động động cơ máy kéo bằng máy lai, không được quấn dây khởi động vào tay. Bởi vì, nếu trục khuỷu của động cơ khởi động quay ngược trở lại, dây kéo tay người giật vào bánh đà máy lai. Không được khởi động máy bằng cách kích máy lên, quay bánh để phát động.
– Khi máy kéo đang làm việc bị hư hỏng, phải dùng kích nâng để khắc phục, dưới máy kéo phải đặt những tấm kê an toàn hoặc những giá đỡ chắc chắn khác. Không được trèo lên hoặc chui dưới gầm máy khi đã tháo bánh hoặc đã kê kích.
– Tránh làm việc trên máy kéo ở ngoài đồng trống trải khi có giông to, ban đêm cũng như ban ngày. Khi có giông, nên dừng máy kéo lại, tắt động cơ và tránh xa máy kéo. Sau khi mưa, phải đặc biệt chú ý ở những chỗ quay gấp, những chỗ dốc và các mương rãnh khi cho máy kéo làm việc.
– An toàn trong việc chống cháy:
+ Chỉ được rót nhiên liệu cho thùng động cơ khởi động, khi động cơ không làm việc và ống xả đã nguội.
+ Khi nạp và kiểm tra mức nhiên liệu bằng thước, cấm hút thuốc và soi lửa tới gần. Sau khi đổ nhiên liệu phải lau sạch cẩn thận những chỗ nhiên liệu chảy ra ngoài. Nếu phát hiện có chỗ rò rỉ nhiên liệu phải khắc phục ngay;
+ Để tránh nổ bùng nhiên liệu cấm không được dùng các vật kim loại gõ mở nút các thùng bằng sắt và soi lửa gần miệng thùng nhiên liệu;
+ Không được ở gần máy kéo trong lúc dông bão;
+ Quần áo lao động dính dầu mỡ và giẻ lau chùi, phải bảo quản xa nơi có lửa;
+ Khi nhiên liệu bốc cháy phải dùng cát, đất để dập và dùng phớt nỉ hoặc vải bạt để chụp ngọn lửa.
2.2.4. An toàn khi chăm sóc kỹ thuật, sửa chữa
– Nơi tiến hành chăm sóc kỹ thuật, sửa chữa máy kéo phải luôn sạch sẽ, nền chắc chắn, được chiếu sáng tốt và có đầy đủ dụng cụ, đồ nghề.
– Nếu phải chăm sóc kỹ thuật trong nhà, không nên để động cơ máy kéo chạy trong nhà, vì khí thải có khí cacbon oxit (CO) rất độc. Chỉ tiến hành các
khâu chăm sóc kỹ thuật có khởi động động cơ, nếu có đủ thiết bị dẫn khí thải ra khỏi phòng.
– Tháo lắp, kiểm tra, sửa chữa máy kéo sau khi đã tắt động cơ, các máy công tác ở vị trí hạ.
– Trước khi làm việc dưới gầm máy kéo, phải kiểm tra các chi tiết chưa bắt chặt hoặc dụng cụ vì khi va chạm chúng có thể rơi trúng người và gây chấn thương.
– Khi kiểm tra nước làm mát trong két nước của động cơ đang nóng, phải tắt động cơ và chú ý luồng khí nóng ở cổ két nước làm mát sẽ phì ra gây bỏng da và bỏng mắt. Vì vậy khi mở nắp bộ tản nhiệt còn nóng, tay phải được bảo vệ và đứng về phía đầu chiều gió, đầu ngoài bộ tản nhiệt.
– Khi chăm sóc bình điện, chất điện phân có chứa axit sunfuric, khi rơi vào người, sẽ gây bỏng nặng, do vậy phải rất cẩn trọng. Khi di chuyển bình điện phải dùng dụng cụ chuyên dùng.
– Khi kê kích tháo lắp máy, phải đặt kích trên nền cứng phẳng và kê chắc chắn, không được dùng kích thay vật kê.
– Khi tháo lắp máy phải sử dụng các loại cờ lê và lực siết quy định, đề phòng bị trượt hoặc gãy cờ lê, đứt đầu bu lông làm mất đà gây thương tật.
– Khi tháo lắp các cụm lò xo phải sử dụng trang thiết bị chuyên dùng để lò xo không bị bật ra gây thương tích cho người tháo lắp máy.
– Khi hết vụ, máy kéo phải được vệ sinh sạch sẽ, tra dầu mỡ đầy đủ theo qui định và được bảo quản ở nơi khô, ráo đặc biệt chú ý đến công tác phòng cháy và chữa cháy.
Nguyễn Xuân Mận
Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam